Khai phá cơ hội của kỷ nguyên Metaverse
•
16/08/2022
Metaverse (tạm dịch là đa vũ trụ ảo) được dự đoán trở thành một tương lai mới của Internet. Theo một báo cáo của McKinsey, giá trị của Metaverse sẽ đạt tới con số 5 nghìn tỉ USD vào năm 2030. Vậy những lĩnh vực nào có thể ứng dụng Metaverse và doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận và khai phá thị trường tiềm năng này?
Tiềm năng khổng lồ của Metaverse
Metaverse - nơi tái hiện sống động trải nghiệm đời thực trong môi trường số, ngày càng bùng nổ mạnh mẽ trên toàn thế giới. Metaverse được đề cập lần đầu tiên vào năm 1992 bởi Neal Stephenson trong cuốn sách Snow Crash. Trong đó Metaverse được miêu tả là một thế giới ảo nơi mỗi người là một nhân dạng số riêng biệt và có thể tương tác, vui chơi, bàn luận, học tập, và rèn luyện. Năm 2021, số lượng tìm kiếm trên Google cho từ “Metaverse” đã tăng vọt 7.200%, và nền tảng trò chơi trực tuyến Metaverse “Roblox” đã đạt hơn 55 triệu người dùng hoạt động hàng ngày vào tháng 2 năm 2022.
Các gã công nghệ khổng lồ trên thế giới cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Metaverse. Meta đã cam kết đầu tư hơn 10 tỷ USD vào bộ phận Reality Labs, cùng với 20 chuyên sản xuất phần cứng liên quan đến Metaverse (kính thực tế ảo - VR). Microsoft lên kế hoạch mua lại công ty trò chơi Activision Blizzard trị giá 69 tỷ USD và sẽ cung cấp “các khối xây dựng” cho Metaverse.
Kết quả 1 cuộc khảo sát của McKinsey với hơn 3.400 người tiêu dùng và giám đốc điều hành cũng cho thấy sự thích thú về Metaverse. Gần 60% người tiêu dùng sử dụng phiên bản đầu tiên của Metaverse hào hứng với việc chuyển đổi các hoạt động hàng ngày sang Metaverse. Khoảng 95% lãnh đạo doanh nghiệp mong đợi Metaverse có tác động tích cực đến ngành kinh doanh của họ trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Các lĩnh vực tiềm năng
Với tiềm năng tạo ra giá trị khổng lồ lên tới 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, các doanh nghiệp đứng trước rất nhiều cơ hội để ứng dụng Metaverse, cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng, tăng cường hiệu quả kinh doanh.
Giáo dục: Metaverse mang lại cho người học những trải nghiệm chân thực hơn. Trường Quản lý Rady của Đại học California tại San Diego – Mỹ sử dụng một khuôn viên ảo cho phép sinh viên tham gia vào các bài giảng online, gặp gỡ - trao đổi trong không gian mở sáng tạo, đột phá. Hay không gian lớp học ảo được phát triển bởi Akaverse (FPT) cũng giúp học sinh có avatar riêng biệt để cùng trao đổi, học tập, tương tác với nhau.
Bán lẻ: Metaverse giúp doanh nghiệp tung ra nhiều trải nghiệm mua sắm mới lạ để thu hút khách hàng, quảng bá thương hiệu và thiết lập cửa hàng “ảo” tiếp cận khách hàng toàn cầu. Nhiều nhà bán lẻ nội thất như Crate & Barrel, Walmart, West Elm và Wayfair đã hợp tác với Pinterest để sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), giúp người tiêu dùng trải nghiệm trực tiếp cách bài trí đồ nội thất trong chính căn nhà của họ trước khi quyết định mua sắm.
Tài chính: Metaverse tập hợp các mạng xã hội trực tuyến, trò chơi, tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số đa dạng. Ngân hàng KB Kookmin của Hàn Quốc tạo ra các “thị trấn tài chính” ảo, các trung tâm viễn thông và không gian tương tác ảo.
Thời trang: Những thử nghiệm ban đầu của ngành thời trang với thế giới ảo phần lớn là việc ra mắt quần áo ảo. Gucci đã bán một phiên bản ảo của chiếc túi Dionysus với giá tương đương 6 đô la trên Roblox, sau đó mỗi chiếc túi này đã được đặt giá thầu lên tới hơn 4.000 đô la khi được bán lại trên thị trường đồ cũ, cao hơn giá của một chiếc túi thật.
Giải trí: Gaming (trò chơi trực tuyến) là lĩnh vực giải trí đầu tiên bước vào Metaverse với những trò chơi nổi tiếng như Roblox và Fortnite. Bên cạnh đó, một số nhạc sĩ nổi tiếng cũng lên kế hoạch tổ chức các buổi biểu diễn trên nhiều nền tảng khác nhau trong Metaverse. Marshmello, Travis Scott, Ariana Grande và ca sĩ Ấn Độ Daler Mehndi là một trong số nhiều nghệ sĩ đã tạo được dấu ấn trong thế giới ảo.
7 bước khai phá tiềm năng Metaverse
Theo quan điểm của chuyên gia McKinsey, các công ty phải xem xét Metaverse có thể tác động tích cực và tiêu cực như thế nào đến doanh nghiệp để từ đó đưa ra chiến lược phù hợp.
Dưới đây là 7 bước xây dựng chiến lược phát triển với Metaverse mà các doanh nghiệp có thể tham khảo:
Bước 1: Doanh nghiệp cần xác định các mục tiêu rõ ràng khi bước chân vào thị trường Metaverse. Đó là để tạo ra nhu cầu mới, xây dựng cộng đồng hay là tạo các luồng doanh thu mới. Những mục tiêu này đóng vai trò vô cùng quan trọng, là kim chỉ nam cho việc phát triển của sản phẩm dịch vụ với Metaverse.
Bước 2. Xác định vai trò của doanh nghiệp trong hệ sinh thái Metaverse. Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc xây dựng các trải nghiệm mới cho người dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo điều kiện tương tác hay phát triển cơ sở hạ tầng cho Metaverse như xây dựng thành phần phần cứng, công nghệ Blockchain, AI, Big Data, Internet of Things (IOT),…
Bước 3. Tung ra các dự án đầu tiên và các trường hợp sử dụng (use cases) về Metaverse. Doanh nghiệp có thể thử nghiệm các cơ hội mới như:
- NFT (Non-fungible token): tài sản ảo đại diện cho các sản phẩm trong thế giới thực
- Trải nghiệm nhập vai với các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp tăng cường (MR),…
- Quảng cáo native
Chẳng hạn như một use cases điển hình trong lĩnh vực Chăm sóc sức khoẻ là 2 công cụ khá phổ biến trong đại dịch: Telemedicine và Telehealth đã giúp bệnh nhân và bác sĩ có thể tương tác trong các phòng khám 3D ảo, giúp tăng hiệu quả khám chữa bệnh đồng thời hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Bước 4. Theo dõi các chỉ số phù hợp để đo lường hiệu quả ban đầu trong ngắn hạn, từ đó lên kế hoạch thử nghiệm các phương án dài hạn trong tương lai. Việc phân tích các chỉ số giúp doanh nghiệp đưa ra các đánh giá kịp thời, làm cơ sở cho các quyết định về chiến lược phát triển trong tương lai.
Bước 5. Phân tích thêm về người dùng, tìm hiểu hành vi của họ trên các nền tảng khác nhau và đưa ra các nghiên cứu chi tiết để tối ưu sản phẩm một cách phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Bước 6. Bắt đầu kế hoạch mở rộng quy mô phát triển thông qua việc tìm kiếm nhân tài, thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ cũng như các công cụ cần thiết nhằm tăng tốc quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ.
Bước 7. Đưa Metaverse vào chiến lược kinh doanh và mô hình vận hành của doanh nghiệp, đồng thời xác định rõ ràng ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý dự án.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Gartner cũng cho rằng việc áp dụng công nghệ Metaverse vẫn còn non trẻ và manh mún, doanh nghiệp nên hạn chế đầu tư nhiều vào một số lĩnh vực Metaverse cụ thể. Vẫn còn quá sớm để xác định khoản đầu tư nào sẽ khả thi trong dài hạn, do đó, doanh nghiệp cần ưu tiên học hỏi, khám phá và chuẩn bị cho Metaverse trước khi triển khai.
Nguồn tham khảo: