Ứng dụng của Blockchain trong Chuyển đổi số doanh nghiệp

24/10/2022

Bên cạnh AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data, Cloud và IoT (internet vạn vật), Blockchain (chuỗi khối) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, giúp doanh nghiệp nâng cấp quy trình làm việc, tối ưu hóa hiệu quả vận hành.

Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán cho phép người dùng tạo và duy trì các giao dịch an toàn trên nhiều máy tính. Cấu trúc của dữ liệu trong blockchain hoàn toàn khác với cấu trúc của cơ sở dữ liệu truyền thống khi dữ liệu được lưu trữ trong các khối được liên kết với nhau dưới dạng chuỗi. Dữ liệu này không thể bị xoá hoặc sửa đổi nếu không có sự đồng ý từ những người dùng trong hệ thống mạng blockchain. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ chuỗi khối để theo dõi các đơn đặt hàng, giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm nâng cao sự bảo mật, tính minh bạch cũng như ngăn chặn các giao dịch trái phép, giả mạo.

Năm lầm tưởng phổ biến về blockchain

Thuật ngữ blockchain ngày nay trở nên vô cùng phổ biến khi được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống và trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lầm tưởng về công nghệ này, gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới các quyết định ứng dụng blockchain. 

Lầm tưởng về Blockchain

(Nguồn: McKinsey)

Ứng dụng của blockchain trong vận hành doanh nghiệp

1. Blockchain làm tiêu chuẩn cho các giao dịch số

Khi các doanh nghiệp ngày càng chuyển dịch hoạt động kinh doanh lên thị trường số, blockchain có tiềm năng trở thành công nghệ then chốt giúp tạo ra sự tin cậy và bảo mật cao cho người tiêu dùng, khách hàng, đối tác thương mại và kinh doanh trong thế giới kết nối số.

Thay vì được lưu trữ tập trung, blockchain là một cơ sở dữ liệu ảo được lưu trữ trong một mạng lưới mà mỗi người dùng trong mạng lưới đó đều có một bản sao của cơ sở dữ liệu. Cấu trúc phi tập trung kết hợp với việc sử dụng các mật mã giúp ngăn chặn việc rò rỉ thông tin trong cơ sở dữ liệu. Do đó, blockchain tạo ra mức độ tin cậy cực cao trong các giao dịch mà không cần người trung gian giám sát giao dịch.

2. Blockchain thay đổi cuộc chơi trong quản lý chuỗi cung ứng

Blockchain mang lại sự minh bạch tối đa trong mọi giao dịch trong chuỗi cung ứng - từ việc thu mua nguyên liệu, sản xuất đến phân phối và bán sản phẩm. Điều này giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đó giảm thiểu rủi ro một cách tối đa.

Blockchain in supply

Ví dụ, blockchain đã giúp Alibaba đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.Các nhà cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử của Alibaba sẽ xác minh tính xác thực của các mặt hàng bằng cách sử dụng blockchain. Ví dụ như blockchain sẽ lưu trữ dữ liệu DNA của một con bò thông qua 1 gói steak, sau đó đánh dấu mặt hàng này bằng kỹ thuật số để xác thực chất lượng trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Khi khách hàng mua sắm, họ có thể dễ dàng quét mã QR trên bao bì để tìm hiểu thông tin của sản phẩm cũng như chỉ số chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Hệ thống này hiện đang được thử nghiệm ở Úc và New Zealand, rất nhiều loại thực phẩm trên có nguồn gốc từ các quốc gia này. Sắp tới, dự án thử nghiệm này sẽ được áp dụng sang các loại lô hàng khác để giảm thiểu các mặt hàng giả mạo trên Alibaba.

3. Blockchain là yếu tố then chốt trong quản lý tài chính

Sự thành công của blockchain trong việc tạo và quản lý các loại tiền điện tử như Bitcoin đã tạo ra một cuộc cách mạng về tiền tệ và tài chính. Blockchain hứa hẹn giảm thiểu gian lận, đảm bảo các giao dịch diễn ra nhanh chóng, an toàn, và giúp người dùng dễ theo dõi hơn so với ngân hàng truyền thống.

Một ví dụ điển hình đó là việc Visa sử dụng blockchain để khởi chạy dịch vụ thanh toán B2B. Visa phát triển một nền tảng để xử lý các giao dịch giữa ngân hàng với ngân hàng một cách an toàn hơn và nhanh hơn, phục vụ cho việc xử lý các khoản thanh toán quốc tế của công ty.

Visa sử dụng công nghệ dựa trên blockchain để tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các giao dịch từ ngân hàng gốc đến người nhận. Bên cạnh đó, Visa cũng triển khai thiết kế hệ thống đảm bảo kết hợp các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu của công ty.

4. Blockchain là nền tảng cho hợp đồng thông minh

Hợp đồng thông minh không chỉ có thể lưu trữ an toàn thông tin mà còn có thể tự động thay đổi dữ liệu theo cách đáng tin cậy. Các hợp đồng thông minh được cung cấp bởi blockchain được triển khai dựa trên các thỏa thuận được xác định trước, qua đó nâng cao sự minh bạch cũng như chống sự giả mạo. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời đảm bảo sự tuân thủ của tất cả mọi người có liên quan.

Hợp đồng thông minh

5. Blockchain bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu

Theo một nghiên cứu của Deloitte, việc số hóa các phương tiện truyền thông đã gây ra tình trạng chia sẻ tràn lan các nội dung vi phạm bản quyền. Bằng việc sử dụng Blockchain, các công ty có thể bảo vệ dữ liệu triệt để, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền đang phổ biến hiện nay. Chẳng hạn như blockchain có thể duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu, cho phép các công ty quảng cáo nhắm mục tiêu đúng khách hàng và các nhạc sĩ nhận được tiền bản quyền thích hợp.

 

Nguồn tham khảo:

https://www.mckinsey.com/capabilities/mckinsey-digital/our-insights/blockchain-beyond-the-hype-what-is-the-strategic-business-value

https://builtin.com/blockchain/blockchain-applications

https://www.itransition.com/blog/reallife-examples-of-blockchainbased-digital-transformation