Adam, Eva & Ba chấm
“Cứ làm đi” là chương trình triển lãm thường niên của tập thể Học viên Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena (Đại học FPT). Triển lãm là nơi quy tụ các tác phẩm đồ họa, tương tác, kỹ xảo trên các lĩnh vực truyền thông/giải trí được sáng tạo nhờ các ứng dụng công nghệ số: đồ họa máy tính, video tương tác, công nghệ hình ảnh 3D,… .
•
14/04/2008
Tiếp nối thành công của “Cứ làm đi” năm 2007, triển lãm “Cứ làm đi” năm 2008 mang chủ đề “Adam, Eva và Ba chấm” hứa hẹn mang đến cho công chúng nhiều điều thú vị.
Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra một triển lãm nghệ thuật số dưới cái nhìn và quan điểm của các bạn trẻ thuộc thế hệ 8X-9X về một vấn đề có tính nhạy cảm – giới. Mặc dù triển lãm diễn ra trong thời đại phát triển công nghệ thông tin và sự tự do tiếp cận các giá trị sống nhưng theo ông Mai Thanh Long-Giám đốc trung tâm đào tạo mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena: “Triển lãm lần này là cái nhìn thẳng thắn và có trách nhiệm của thế hệ trẻ về chính những vấn đề của thời đại họ. Đó là cái nhìn mới mẻ và sáng tạo của cá nhân về các vấn đề giới tính, tình dục, tình yêu cũng như các vấn đề xung quanh cuộc sống đương đại”.
Bằng việc sử dụng những tông màu trẻ trung, tươi sáng bên cạnh những mảng màu đen, đỏ đầy ấn tượng, thông qua những hình ảnh mang tính ấn dụ, tượng trưng cho Adam, Eva đã thể hiện những biến chuyển trong đời sống chung của hai cá thể nam và nữ, những ước mong thầm kín về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, khát khao khám phá và chinh phục tất cả… Ở đây, “Adam & Eva” như một vật neo giữ, một cái dây dài vô tận, “Ba chấm” như gió, còn trí tưởng tượng là cánh diều. Nhờ có ba thứ ấy kết hợp với nhau mà tâm tưởng của người xem trước mỗi tác phẩm sẽ được bay cao, bay xa.
Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả truyền tải của ngôn từ, nhiều bạn trẻ chọn cách thể hiện typo, với sự biến tấu của các con chữ ẩn chứa những trăn trở về tình yêu, nỗi cô đơn, sự sợ hãi, suy nghĩ về các vấn đề của phụ nữ hay nam giới…
Chẳng hạn, mang phong cách dân gian, học viên Ngô Nhật Quang đã họa lại bức tranh “Gánh” bằng phần mềm Corel và xử lý hình ảnh trên Photoshop khiến người xem tưởng như đang đọc lại một lần nữa bài thơ “Thương vợ” của nhà thơ Tú Xương. Trái lại, với mô hình 3D, học viên Nguyễn Thị Phương Dung đã dựng lại hình ảnh bàn tay đang vươn tới sự sống nhỏ bé nơi cuối đường hầm như một tiếng kêu cứu trong tác phẩm “Sống”. Trong khi đó, học viên Hoàng Mạnh Duy lại biết khéo léo kết hợp các con chữ để thể hiện muôn mặt trạng thái biểu cảm khác nhau của khuôn mặt người qua tác phẩm “Chân dung”.
Không cầu kỳ và phô trương, clip phim ngắn chưa đầy 5 phút của hai bạn trẻ Trang Công Minh và Phùng Thế Minh sử dụng kỹ xảo Flash và dựng trên phần mềm Movi maker, trên nền ca khúc “No frontier” (không biên giới) đầy da diết khiến người xem trào dâng nỗi thương cảm trước những mảnh đời trẻ em bất hạnh.
Triển lãm “Adam, Eva và Ba chấm” đã được phát động từ 11/2007 với hơn 200 tác phẩm của hơn 100 tác giả tham dự. Ban tổ chức đã lựa chọn được 103 tác phẩm của gần 70 tác giả để trưng bày dưới dạng in ấn và trình chiếu trên màn hình khổ lớn. Trong quá trình triển lãm, các tác phẩm sẽ được bình chọn để trao giải. Ban tổ chức sẽ dành một phần quà có giá trị là một sản phẩm apple của nhà tài trợ Vtecom để trao cho người bình chọn xuất sắc nhất.
Triển lãm diễn ra trong 5 ngày (từ 11-15/04/2008), tại 42 Yết Kiêu-Hà Nội.
Một số tác phẩm tiêu biểu:



FPT-Arena là trung tâm hợp tác giữa Công ty FPT và Tập đoàn Công nghệ Thông tin Aptech Ấn Độ chuyên về đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện (Multimedia) trực thuộc Đại học FPT.
Năm 2004, trên cơ sở thành công của mô hình đào tạo lập trình viên quốc tế, FPT và Aptech quyết định đưa vào thị trường Việt Nam chương trình đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện (multimedia) theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là chương trình đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Hai trung tâm đầu tiên đã được thành lập tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tháng 08/2004. Sự ra đời của hai trung tâm đã bổ sung kịp thời cho thị trường đào tạo nguồn nhân lực Mỹ thuật đa phương tiện của Việt Nam hiện vẫn còn manh mún. Tuy nhiên, số lượng học viên đào tạo ra chưa đủ đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, đến tháng 06/2007, FPT-Arena đã cho ra đời trung tâm thứ 3 tại Hà Nội.
Tính đến tháng 02/2008, FPT-Arena đã tuyển sinh hơn 2.000 học viên trên toàn quốc. Hiện, số lượng học viên theo học cả hai miền Nam và Bắc là 1.200 học viên.
Arena là phân nhánh của Tập đoàn APTECH chuyên về đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện, mới thành lập năm 1996 nhưng đã phát triển nhanh chóng ra nhiều nước Châu Á với trên 260 trung tâm và có khoảng 70.000 học viên đã và đang theo học. Để đảm bảo chương trình đào tạo luôn cập nhật và theo kịp xu thế phát triển của Mỹ thuật đa phương tiện trên thế giới, ARENA đã hợp tác với nhiều công ty hàng đầu như: Adobe, Macromedia, Discreet, Toon Boom, Alias Wavefront và Cambrigde Animation,...
Chương trình đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện của ARENA có tên gọi AMSP (Arena Multimedia Specialist Program) cung cấp cho học viên các kiến thức tổng hợp (lý thuyết + thực hành + phương pháp xây dựng ứng dụng), nhờ đó, sau 2 năm học, học viên có thể đảm nhận hầu hết các công việc ứng dụng Mỹ thuật đa phương tiện như: thiết kế đồ họa, quảng cáo, in ấn, xuất bản (ấn phẩm và CD), làm phim hoạt hình, thiêt kế và xử lý hình 3D, thiết kế website, xây dựng trò chơi,...
Xin tham khảo thêm thông tin về Arena tại địa chỉ: www.arena.edu.vn
Liên hệ:
Nguyễn Thanh Chúc (Ms) - Phụ trách PR
Trung tâm đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện FPT-Arena.
Địa chỉ: 264 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 7629680 hoặc 0983.331.880
E-mail: [email protected]