AI và RPA – Xu hướng chủ đạo của ngành bảo hiểm tài chính ngân hàng

AI và RPA không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tự động hóa quy trình mà còn đưa ra dự báo chính xác, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, quản lý dữ liệu, giảm sai sót và chống các hành vi gian lận trong nghiệp vụ. 

01/07/2020

RPA giúp tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại trong doanh nghiệp mà không cần tới sự can thiệp và giám sát của con người. AI hỗ trợ giải quyết các vấn đề đòi hỏi nhận thức con người, chẳng hạn như nhận dạng một số hình mẫu, học hỏi và hoàn thiện dựa trên các dữ liệu trong quá khứ, cũng như đưa ra dự báo cho tương lai. Nếu coi AI là “trí não”, thì RPA được ví như “cánh tay”, và sự kết hợp giữa hai công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành một cách thông minh, từ đó tiết kiệm chi phí, nguồn lực đồng thời nâng cao lợi thế cạnh tranh sẵn có.

RPA - Tự động hóa tác vụ, tối ưu năng suất
Vấn đề nổi cộm đối với các tổ chức tài chính trong quá trình tối ưu hóa vận hành hiện này là sự phụ thuộc vào các quy trình thủ công, vừa kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực và dễ tồn tại kẽ hở cho các sai sót hay gian lận. RPA chính là lời giải cho bài toán này khi có thể loại trừ tất cả các hạn chế trên một cách triệt để. 

Chẳng hạn, quy trình định danh khách hàng (KYC) tiêu tốn của các ngân hàng khoảng 500 triệu USD mỗi năm (theo khảo sát của Thomson Reuters). Với RPA, ngân hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí KYC, cũng như tăng độ chính xác trong quá trình nhập liệu.
Nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp akaBot của FPT là một trong những giải pháp RPA uy tín do một doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Nền tảng này có thể quản lý tập trung hàng trăm tác vụ cùng lúc, tăng 80% năng suất, tiết kiệm 60% chi phí vận hành, giảm thiểu tối đa các sai sót, đảm bảo quy trình vận hành liên tục. 

AI – Chăm sóc khách hàng, dự báo và bảo mật
Nhắc tới AI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ứng dụng quen thuộc nhất là chatbot. Về cơ bản, chatbot xử lý được hầu hết các yêu cầu của khách hàng như kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán trực tuyến, tìm kiếm lựa chọn đầu tư… Không chỉ vậy, chatbot còn giúp giảm bớt các công việc mang giá trị thấp, tối ưu nhân sự cho các trung tâm chăm sóc khách hàng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Với việc đọc hiểu và phân tích được dữ liệu khách hàng, chatbot đưa ra được các đề xuất cá nhân hóa phù hợp với từng khách hàng, chẳng hạn như đưa ra chương trình ưu đãi tài chính phù hợp, thúc đẩy gia tăng doanh số.

Ngoài ra, khác với đội ngũ nhân viên con người, nhân viên ảo chatbot có thể hỗ trợ khách hàng liên tục 24/7, phản hồi hầu như ngay lập tức các vấn đề của khách. Một số ngân hàng còn triển khai hệ thống trợ lý ảo tổng đài, giao tiếp với khách hàng với ngữ điệu tự nhiên như các tổng đài viên thực sự. Đây thực sự là những trải nghiệm mới mẻ trong hoạt động chăm sóc khách hàng của ngành tài chính.

Tại Việt Nam, FPT là một trong những tập đoàn tiên phong nghiên cứu ứng dụng AI trong hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Chatbot FPT.AI là một trong số sản phẩm tiêu biểu trong bộ giải pháp 4.0 được phát triển với mong muốn giúp doanh nghiệp tối ưu và chuyển đổi mô hình kinh doanh để bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch. 

Trong thời gian Covid-19, SHB Finance trở thành điểm sáng trong các doanh nghiệp tài chính ngân hàng nhờ ứng dụng Chatbot do FPT phát triển. Nhân viên tư vấn ảo này có thể tự động tiếp nhận và xử lý hàng chục nghìn yêu cầu từ khách hàng, không khác gì một nhân viên chăm sóc khách hàng người thật, thậm chí đáp ứng nhu cầu tư vấn của khách hàng 24/7. Tỷ lệ hoàn thành việc trả lời khách hàng của "nhân viên ảo" đạt đến hơn 90%. Trong 03 tháng đầu triển khai, chatbot mang lại hơn 10% trên tổng số lượng lead (lượng khách hàng) đến từ kênh Digital Marketing.

Đối với các tổ chức tài chính, đặc biệt các công ty đầu tư, dự báo tài chính là yếu tố sống còn. Bằng cách ứng dụng AI, doanh nghiệp sẽ đưa ra được dự báo chính xác về xu hướng đầu tư, lãi cổ phiếu, nhu cầu thị trường, thậm chí cả doanh thu trong ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, AI còn giúp dự báo và phòng ngừa các rủi ro tấn công không gian ảo đối với các ngân hàng, tăng độ chính xác trong quản lý các hành vi gian lận trong giao dịch. 

RPA và AI là hai công nghệ lõi ưu việt có tiềm năng biến đổi hoàn toàn lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Chúng giúp tăng tốc quy trình kinh doanh, giảm bớt các tác vụ thủ công, tiết kiệm chi phí và tạo ra trải nghiệm khách hàng độc đáo. Tạo sức mạnh cộng hưởng từ việc ứng dụng các giải pháp AI và RPA sẽ giúp tạo ra tăng trưởng đột phá. Đây cũng là điều mà FPT đang nỗ lực mang lại cho doanh nghiệp Việt.