Các hoạt động nổi bật của FPT năm 2007

Năm 2007, FPT đổi mới với những vận động mạnh mẽ về chiều rộng và chiều sâu, bước vào các lĩnh vực hoạt động mới, thu hút thêm nhiều nhân lực mới. FPT đang dần chuyển mình sang “FPT Vì công dân điện tử”, trở thành một tập đoàn kinh tế công nghệ hàng đầu, lấy IT làm sức mạnh cốt lõi, phục vụ cho nhu cầu của các công dân điện tử (e-Citizen).

24/01/2008

Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và nhân sự vững chắc như năm 2007, cùng với nhiều dự án trên các lĩnh vực hoạt động cả trong nước và ra thế giới, FPT đang dồn lực cho một chặng đường mới thành công hơn. 

Tính đến hết năm 2007, toàn Tập đoàn FPT có 9,493 cán bộ nhân viên, tăng 35% so với năm 2006. Độ tuổi bình quân của cán bộ nhân viên FPT hiện nay là 26,7.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2007 của Tập đoàn FPT.

FPT đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động

Năm 2007 là năm đánh dấu sự phát triển và mở rộng của FPT sang nhiều lĩnh vực mới.

Ngày 13/7, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPT Securities) được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép hoạt động với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Hiện, FPT Securities quản lý hơn 6,000 tài khoản giao dịch cho khách hàng. Với các thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến bậc nhất, hệ thống giao dịch của công ty có thể phục vụ được số lượng rất lớn khách hàng với tốc độ cao, mọi lúc, mọi nơi, tại sàn giao dịch cũng như qua điện thoại hay internet. Hai gói dịch vụ EzTrade và EzSearch của công ty giúp khách hàng phát huy hiệu quả ưu việt của việc giao dịch online. Tháng 12/2007, FPT Securities tăng vốn điều lệ lên 440 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ mới, FPTS có quyền thực hiện tất cả bốn nghiệp vụ chứng khoán là môi giới, lưu ký, tư vấn và tự doanh.

Ngày 25/07, Quỹ Đầu tư FPT (FPT Capital) thành lập với vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường Việt Nam (110 tỷ đồng). Tháng 11, tại Tokyo, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Nhật Bản, FPT cùng Tập đoàn SBI Holdings, Inc đã ký kết thành lập Quỹ Đầu tư Việt-Nhật có trị giá 100 triệu USD.

Tập đoàn SBI Holdings và FPT ký kết thành lập quỹ đầu tư
hỗn hợp dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Ngày 29/11, đề án thành lập Ngân hàng Cổ phần FPT (FPT Bank) được chấp thuận với số vốn điều lệ là 1,000 tỷ đồng. Hiện FPT Bank đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, cơ sở hạ tầng và bộ máy tổ chức để tiến tới được cấp phép chính thức trong đầu năm 2008.

Lĩnh vực bất động sản của FPT cũng được đánh dấu bằng một số sự kiện nổi bật. Tháng 9, Công ty Bất động sản FPT (FPT Land) hoàn tất công trình Tòa nhà FPT Cầu Giấy. Dự án Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng, rộng 181 ha tại quận Ngũ Hành Sơn với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên đến 952 triệu USD từ nay đến hết năm 2012, cũng vừa được ký kết giữa UBND TP Đà Nẵng và FPT Land (ngày 12/01/2008). Khu Công nghệ cao Hoà Lạc - nơi FPT được Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng - đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. FPT sẽ tiếp tục xây dựng những thành phố công nghệ cao trên toàn quốc với chuẩn mực phù hợp với nhu cầu của các công dân điện tử (E-citizen).

FPT tham gia thị trường bán lẻ

Tháng 08/2007, Công ty TNHH Bán lẻ FPT khai trương 4 Trung tâm bán lẻ hàng công nghệ cao mang thương hiệu [IN] tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hai sản phẩm mũi nhọn của [IN] là điện thoại di động và máy tính xách tay của các thương hiệu hàng đầu thế giới. Các trung tâm bán lẻ [IN] được thiết kế đồng bộ, sang trọng và chuyên nghiệp, tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái và thư giãn khi mua hàng.

Doanh thu dự kiến của [IN] trong vòng 2 năm tới là 400 triệu USD/năm với 100 trung tâm bán lẻ trên toàn quốc. FPT đang nỗ lực mạnh mẽ nhằm trở thành thương hiệu hàng đầu trên thị trường bán lẻ hàng ICT Việt Nam.

Công ty Phần mềm FPT vượt 10 triệu đô la Mỹ về lợi nhuận, mở chi nhánh tại Singapore

Năm 2007 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (FPT Software) về XKPM. Lần đầu tiên lợi nhuận trước thuế của FPT Software vượt 10 triệu đô la Mỹ, tăng hơn gấp hai lần so với năm 2006.

Ngày 13/3/2007, khai trương Công ty TNHH Phần mềm FPT Châu Á – Thái Bình Dương tại Singapore. Đây là công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên mở chi nhánh tại Singapore. Trong tương lai, FPT Software sẽ tập trung phát triển tốt hơn các thị trường hiện có là Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á, đồng thời sẽ phát triển mạnh hơn các thị trường tiềm năng là Châu Âu và Mỹ.

Trước đó, FPT Software đã thành lập pháp nhân tại Nhật Bản vào ngày 13/11/2005. Sau 2 năm hoạt động, doanh thu của FPT Software Nhật Bản đạt 16 triệu USD, tăng tưởng 90% so với năm 2006.

FPT Elead hợp tác lắp ráp máy tính thương hiệu thế giới tại Việt Nam

Tháng 10/2007, FPT ký kết 2 hợp đồng lắp ráp máy tính để bàn với hai thương hiệu lớn của Nhật Bản và Mỹ là NEC và HP. Với hai thỏa thuận này, lợi thế cạnh tranh của FPT Elead được tăng cường mạnh mẽ. Ngành công nghiệp máy tính Việt Nam trở thành một trong những “công xưởng lắp ráp máy tính” của thế giới, đưa những sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng trong nước.

Lễ công bố thỏa thuận hợp tác giữa FPT và HP

Nhà máy sản xuất máy tính FPT Elead với công suất đạt 243.000 máy tính/năm cùng hệ thống ISO đạt tiêu chuẩn quốc tế, là đơn vị trong nước đầu tiên được các đối tác lớn chọn lựa hợp tác lắp ráp và phân phối máy tính. Năm 2007, FPT Elead tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng của thị trường.

FPT Telecom được cấp phép cung cấp đầy đủ dịch vụ viễn thông

Ngày 18/10/2007 – Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) được Bộ Thông tin và Truyền thông trao giấy phép “Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông”. Theo đó, FPT Telecom sẽ hoàn toàn chủ động trong việc đầu tư, xây dựng hệ thống mạng viễn thông liên tỉnh trên toàn quốc và mạng viễn thông quốc tế kết nối các nước nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhằm cung cấp trực tiếp cũng như bán lại các dịch vụ viễn thông.

Giấy phép trên của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao cho FPT Telecom những quyền hạn cao nhất trong lĩnh vực viễn thông. Khách hàng của công ty sẽ được hưởng lợi trực tiếp vì n gay trong thời gian đầu, FPT Telecom nhanh chóng tăng dung lượng kết nối Internet để đảm bảo tốc độ truy cập mạng. Khách hàng thuộc khối doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, ngân hàng... sẽ có thêm lựa chọn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ như: truyền số liệu nội hạt, liên tỉnh, quốc tế…

FPT chính thức giao tiếp với cộng đồng nhà đầu tư và cổ đông

Tháng 8 , trong buổi giao lưu trực tuyến trên báo VnExpress, ông Trương Gia Bình – Tổng giám đốc FPT– đã công khai tình hình hiện tại và chiến lược phát triển trong tương lai của Tập đoàn. Đây là lần đầu tiên, FPT có buổi đối thoại trực tiếp với công chúng. Ông Trương Gia Bình đã trả lời trực tuyến gần 100 câu hỏi, giải đáp thẳng thắn và cởi mở các thắc mắc chủ yếu về tình hình kinh doanh và tương lai của Tập đoàn.

Ngày 1/11, tại TP HCM Hội nghị các nhà đầu tư FPT được tổ chức nhằm trao đổi với các nhà đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh, triển vọng, chiến lược phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới. Cùng với sự kiện này, FPT ra mắt Ban Quan hệ cổ đông.

Sau 1 năm đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước, FPT đã dần ý thức rõ hơn và chủ động trong việc công khai minh bạch thông tin tài chính, chiến lược và quan hệ cổ đông.

FPT công bố chiến lược mới «Vì công dân điện tử» (E-Citizen)

Năm 2007 có thể coi là năm bản lề trong tiến trình phát triển của Công ty. Chiến lược mới của FPT trong giai đoạn tới là cung cấp các sản phẩm và giải pháp cho công dân điện tử (E-citizen), dựa trên nền tảng công nghệ tạo ra một hệ thống tích hợp đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu của số lượng khách hàng bùng nổ trong tương lai (version 2.0).

Họp báo phát động cuộc thi Sáng tạo logo FPT

Ngày 26/12, FPT phát động “Cuộc thi Sáng tạo logo FPT” nhằm tìm kiếm logo mới phù hợp chiến lược phát triển; phát huy và đề cao trí tuệ của cộng đồng. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển tiếp trong chiến lược phát triển của FPT.

FPT khai trương Toà nhà FPT Cầu Giấy

Toà nhà gồm 15 tầng, diện tích sử dụng 20.000m2, gồm 2 khu chức năng: Trung tâm sản xuất phần mềm - đào tạo nguồn nhân lực phần mềm và khu Văn phòng. Sự kiện này đánh dấu sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị trí ngành sản xuất phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực CNTT của tập đoàn FPT.

Tại buổi lễ khai trương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình đã công bố chiến lược phát triển của FPT từ nay đến năm 2015, đó là trở thành Tập đoàn hàng đầu phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ điện tử lấy CNTT và Viễn thông là nền tảng trong xu thế hội tụ số nhằm đáp ứng nhu cầu của các công dân điện tử.

FPT và các giải thưởng giá trị

Năm 2007, FPT đứng vào top 20 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam do Liên hợp quốc – UNDP bình chọn. Hướng phát triển của FPT phù hợp với tiêu chí của cuộc bình chọn là: Nâng cấp các hoạt động kinh doanh chủ chốt; Mở rộng thị trường xuất khẩu; Đa dang hoá các lĩnh vực kinh doanh mới.

Tại Mỹ, FPT đã giành được giải thưởng Công ty phát triển nhanh nhất trong các công ty trên toàn thế giới - giải thưởng dành cho các công ty có vốn đầu tư của công ty TPG (Mỹ) trong năm 2006-2007

Tháng 12, FPT lọt vào Top 10 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu tại HOSE do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Hãng thông tin D&B – Hoa Kỳ tổ chức. Các doanh nghiệp được trao giải tiêu biểu lần này là những doanh nghiệp được đánh giá có hoạt động hiệu quả cao; khả năng tự chủ tài chính tốt; triển vọng phát triển lâu dài.