Đại học FPT thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ

Ngày 25/05, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT chính thức được ra mắt tại Đại học FPT. Nhận quyết định thành lập chính thức từ ngày 04/01/2010, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT được Tập đoàn FPT tài trợ 100% vốn và do Đại học FPT trực tiếp quản lý. Dự kiến trong năm 2010, Tập đoàn FPT sẽ đầu tư 3,5 tỷ VND cho Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT hoạt động.

25/05/2010

Theo đó, Viện sẽ tập trung vào bốn hướng nghiên cứu gồm Ứng dụng công nghệ thông tin; Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng; Công nghệ sinh học; và Công nghệ vũ trụ.

Tiến sĩ Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT cho biết: “Việc thành lập Viện là một bước tiến quan trọng sau hơn 20 năm phát triển của Tập đoàn. Mặc dù ra đời sau, nhưng với sự kết hợp giữa doanh nghiệp, nhà trường và khoa học công nghệ, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT sẽ là điểm giao thoa, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành nơi nghiên cứu ứng dụng những phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Viện nghiên cứu công nghệ FPT mong muốn sẽ sớm mang lại những công nghệ mới, áp dụng hiệu quả cho Việt Nam nói chung và FPT nói riêng”.

Bên cạnh đó, việc thành lập Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT còn tạo ra một môi trường gắn kết, thu hút và quy tụ được nhiều “chất xám” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới để nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà.

Với mục đích ấy, Viện có các chức năng chính là nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và đào tạo. Viện sẽ tiến hành những hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ theo thỏa thuận, không chỉ với Tập đoàn FPT mà còn với các cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình đào tạo và tổ chức chuyển giao tri thức, thông tin, công nghệ, sản phẩm thuộc những lĩnh vực hoạt động nghiên cứu của Viện.

Tại buổi lễ ra mắt, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đã ký kết với năm đơn vị nghiên cứu: Viện Nghiên cứu công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; The Vietnam Foudation; Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển phần mềm FPT thuộc FPT Software; Công ty Cổ phần năng lượng dầu khí châu Á (Asia Petro) và Công ty Cổ phần Sinh học và Y học tái tạo FBM để hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sử dụng và phát triển chương trình Tài nguyên Giáo dục mở, phát triển các ý tưởng công nghệ, hỗ trợ xây dựng Hiệp hội nhiên liệu năng lượng tái tạo Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp .

Hiện tại, Viện đang có hơn 10 dự án nghiên cứu, phát triển. Trong đó, hai nhóm dự án đã được triển khai là: Nghiên cứu vệ tinh nhân tạo (Fspace) và Xử lý ảnh.

Với nhóm dự án nghiên cứu vệ tinh nhân tạo, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT đặt mục tiêu sẽ hoàn thành một vệ tinh trong năm nay. Nếu việc phóng vệ tinh thành công thì có thể xem như đây là vệ tinh tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ. Mục tiêu xa hơn của Viện là thương mại hóa, phát triển Fspace thành một công ty và đến năm 2011, Viện sẽ có ít nhất một bằng sáng chế.

Thông tin tham khảo

Dự án nghiên cứu vệ tinh nhân tạo – mục tiêu đến năm 2011 sẽ phóng được vệ tinh lên vũ trụ

Nhóm nghiên cứu không gian Fspace hiện đang nghiên cứu thiết kế chế tạo, thử nghiệm và vận hành vệ tinh có tên gọi F-1. Vệ tinh F-1 được trang bị các camera để chụp ảnh Trái đất và một số cảm biến đo nhiệt độ, từ trường Trái đất để tìm hiểu môi trường trên quỹ đạo.

Hiện tại, vệ tinh F-1 đang được gấp rút hoàn tất mô hình thử nghiệm đầu tiên, theo kế hoạch mô hình cuối cùng sẵn sàng để bay sẽ được hoàn thành trong năm 2010 và dự kiến thuê tên lửa của nước ngoài phóng lên quỹ đạo Trái đất năm 2011.

Không xa lạ trên thế giới nhưng chế tạo vệ tinh vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, vì vậy nhóm FSpace phải tự mày mò tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài và nhờ sự tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước. Công việc đầu tiên của nhóm là nghiên cứu xây dựng trạm thu tín hiệu vệ tinh. Đây là công việc rất quan trọng, bởi nếu làm được vệ tinh mà không liên lạc được về Trái đất thì dự án sẽ trở nên vô nghĩa. Việc thu tín hiệu rất khó bởi vệ tinh bay rất xa trái đất, khoảng cách tới trạm mặt đất trung bình khoảng 2.000 km trong khi công suất phát sóng của vệ tinh thấp.

Sau hai tháng mày mò, nhóm đã thu thành công tín hiệu vệ tinh khí tượng NOAA của Mỹ, Cute 1 CO-55 của Nhật và Lusat Oscar LO-19 của Argentina. Nhóm đã dùng phần mềm giải mã được các bức ảnh mây do vệ tinh khí tượng NOAA chụp cũng như giải mã tín hiệu CW beacon của các vệ tinh nhỏ khác dưới dạng mã Morse.

Sau thành công này, nhóm FSpace đã bước vào giai đoạn thiết kế cơ khí, điện/điện tử và phát triển phần mềm điều khiển cho vệ tinh F-1. Tiếp theo nhóm sẽ tiến hành chế tạo lần lượt 3 mô hình của vệ tinh F-1: mô hình kiểm tra chức năng (BreadBoard Model - BBM), mô hình kỹ thuật (Engineering Model – EM) và cuối cùng là mô hình bay (Flight Model – FM).

FSpace đã xin được giấy phép sử dụng tần số vô tuyết điện cho trạm mặt đất từ Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) và đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng tần số cho vệ tinh trên quỹ đạo lên Ủy ban quốc tế về vô tuyến điện nghiệp dư IARU.

Dự án nghiên cứu công nghệ xử lý ảnh

Về nhóm xử lý ảnh, Viện đã tiến hành thử nghiệm các nghiên cứu bao gồm: Công nghệ nhận diện khách hàng VIP khi đi vào khu tiếp tân giúp đơn vị chủ động trong khâu giao tiếp và tiếp đón khách hàng; Hệ thống tự động nhận diện biển số xe, ra vé tự động; và cải tiến thuật toán xử lý ảnh của y tế, tự động nhận ra các mô xương, mô máu, mô cơ trên ảnh chụp X – quang.

Trong nhóm dự án về Xử lý ảnh, ba sinh viên Đại học FPT đã may mắn được tham gia vào dự án Interactive Image Genaration (IIG) làm cho đối tác khách hàng là viện nghiên cứu NTT của Nhật.

Hoạt động chính của dự án IIG là phân tích và xử lý những thông tin cần thiết trong video đã demo, từ đó ứng dụng những thông tin này vào giảng dạy thể dục thể thao. Sau khi kết thúc, dự án đã được khách hàng NTT đánh giá cao và quyết định lựa chọn một trong ba sinh viên FPT đã tham gia vào dự án được sang Nhật đi thực tế một tuần.

Mục đích chuyến đi thực tế nhằm giúp sinh viên tìm hiểu rõ hơn về viện NTT, đồng thời quan sát và theo dõi dự án IIG được ứng dụng và triển khai như thế nào. Dự kiến, trong thời gian tới, nhóm dự án IIG sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về một số chức năng mới theo yêu cầu từ phía khách hàng. Sáu sinh viên của Trường Đại học FPT đã được lựa chọn để tiếp tục tham gia vào dự án này.

Sắp tới, Viện nghiên cứu công nghệ FPT sẽ tiếp tục tiến hành các dự án về tiết kiệm năng lượng; dự án mắt cho người mù, giúp người mù cảm nhận được không gian các các hình ảnh xung quanh; dự án Siêu tụ phục vụ cho công nghệ lưu trữ điện năng trên vũ trụ.

Thông tin chi tiết xin liên hệ:

Bùi Hợp (Ms.)
Phòng Truyền thông và Quan hệ cộng đồng
Đại học FPT
Điện thoại: 0946 521 646
Email: [email protected]
Website: www.fpt.edu.vn