Đảm bảo cơ hội công việc khi học Thạc sĩ ở ĐH FPT

"Cùng với bằng Thạc sĩ, học viên sẽ được nhận chứng chỉ PMP quản trị dự án và TOGAF về kiến trúc hệ thống. Đây là điểm nổi bật của chương trình đào tạo Thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm tại ĐH FPT", ông Trần Thế Trung, phụ trách chương trình, nhấn mạnh. ĐH FPT tuyển 60 chỉ tiêu thạc sĩ Kỹ thuật phần mềm

24/03/2015

Theo ông Trung, năm nào, FPT Software cũng chi ngân sách để cho nhân viên giỏi đi học và thi lấy chứng chỉ quản trị dự án PMP. Những người đạt chứng chỉ PMP ở FPT Software được đánh giá cao khi đưa profile vào hồ sơ năng lực để trình bày và thuyết phục khách hàng giao việc. Còn TOGAF là chứng chỉ về kiến trúc hệ thống (trong đó có hệ thống phần mềm) và hằng năm, FPT IS cũng đầu tư để nhân viên đi học và thi lấy chứng chỉ này. CBNV đạt chứng chỉ TOGAF rất cần để đảm bảo chất lượng dự án cũng như giành ưu thế khi đấu thầu.

"Người đạt chứng chỉ PMP và TOGAF sẽ có cơ hội nghề nghiệp đảm bảo hơn trong lĩnh vực phần mềm và tích hợp hệ thống. Chứng chỉ này do các tổ chức quốc tế cấp, ĐH FPT sẽ tổ chức cho học viên tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ. Học viên phải lấy được chứng chỉ mới pass môn học trong chương trình cao học. Chi phí lấy chứng chỉ nằm trong học phí cao học, nên học viên không phải trả thêm", ông Trung cho biết.

Năm nay, ĐH FPT sẽ tuyển 60 chỉ tiêu Thạc sĩ Kỹ nghệ phần mềm.

Chương trình được thiết kế để thỏa mãn các yêu cầu nhân lực cao cấp từ FPT Software, FPT IS với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia, giảng viên đã dày dạn kinh nghiệm thực hàng. Học viên có thể lựa chọn học hoàn toàn bằng tiếng Anh cùng sinh viên quốc tế và giảng viên quốc tế. Đặc biệt, học viên được tham gia giảng dạy toàn bộ một khóa học kỹ thuật phần mềm cho bậc cử nhân ở ĐH FPT hoặc thực tập ở các vị trí ở công ty nước ngoài trong ngắn hạn để tu nghiệp.

Chương trình đào tạo thạc sỹ MSE là sản phẩm đúc kết từ 18 năm kinh nghiệm của công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam - FPT Software. Để đăng ký dự tuyển, thí sinh cần có bằng cử nhân ngành Kỹ thuật phần mềm hoặc một trong các ngành Khoa học máy tính, Điện tử viễn thông, Truyền thông và mạng máy tính, Hệ thống thông tin và Công nghệ thông tin. Cử nhân các ngành khác cần học bổ sung môn nhập môn Kỹ nghệ phần mềm trong chương trình bậc đại học của ĐH FPT. Trình độ tiếng Anh đầu vào đáp ứng một trong các điều kiện B1, IELTS 4.5, TOEFL 450, IBT 45, các văn bằng chứng chỉ tương đương hoặc tham gia khóa tiếng Anh dự bị của trường.

Học viên phải vượt qua kỳ thi tuyển môn cơ bản là Toán - cơ sở máy tính và môn chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm) bằng hình thức trắc nghiệm trong 90 phút. Nếu tốt nghiệp cử nhân CNTT của ĐH FPT loại Giỏi hoặc Xuất sắc sẽ được tuyển thẳng.

Nhà trường tổ chức hai đợt thi tuyển vào tháng 3 và tháng 7 năm nay. Thời gian học tập trung thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Thí sinh quan tâm tới chương trình đăng ký tại đây hoặc liên hệ e-mail: [email protected].