FPT đưa ra đề xuất để thúc đẩy chuyển đổi số cho tỉnh Bắc Giang
Tiếp tục trên lộ trình giới thiệu với các tỉnh, địa phương về chuyển đổi số, chiều ngày 05/04, Tập đoàn FPT đã cùng UBND Tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức”.
•
06/04/2021
Tiếp tục trên lộ trình giới thiệu với các tỉnh, địa phương về chuyển đổi số, chiều ngày 05/04, Tập đoàn FPT đã cùng UBND Tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức”. Sự kiện có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, lãnh đạo Ban Thường vụ, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và đại diện lãnh đạo một số Hiệp hội, Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu mở đầu hội thảo
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Mai Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong lộ trình đến năm 2025, tầm nhìn 2030 “Bắc Giang mong muốn nằm trong top 15 Tỉnh/Thành phố có chỉ số chuyển đổi số đứng đầu cả nước. Bắc Giang sẽ tập trung chuyển đổi số trong 8 lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ”. Lãnh đạo địa phương khẳng định chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển vượt trội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó, khó khăn lớn nhất trong quá trình này đó là thay đổi thói quen, nhận thức và ý chí dám làm của người lãnh đạo. Ông Sơn kỳ vọng buổi làm việc hôm nay sẽ là diễn đàn mở để trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa tỉnh và FPT.
Theo ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), “chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện của tổ chức và vì thế, nó bắt đầu từ sự quyết tâm của người lãnh đạo và là việc của tất cả mọi người”, với quy mô một địa phương thì “chuyển đổi số gắn liền với định hướng chiến lược của tỉnh và cần lấy người dân làm trung tâm, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp tiếp tục phát triển”. Thay vì chỉ nhấn mạnh vào yếu tố công nghệ, FPT khẳng định chuyển đổi số là sự liên kết và phối hợp chặt chẽ của con người, kinh doanh/nghiệp vụ và công nghệ. FPT đưa ra mô hình 3H – 3C – 3S toàn diện, mạch lạc thể hiện sự đúc kết và kinh nghiệm chuyển đổi số của FPT nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin khái quát, đầy đủ và dễ hiểu. Ông Triều cũng đưa ra đề xuất của FPT về khung chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang gồm các hướng tiếp cận toàn diện, từ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, cho đến phát triển hạ tầng số, triển khai nền tảng số, chính phủ số, thành phố thông minh, y tế thông minh, điều hành an ninh mạng, phát triển nguồn nhân lực số, tư vấn và triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên đia bàn tỉnh.
“Chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện của tổ chức, bắt đầu từ quyết tâm của người lãnh đạo”, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS chia sẻ
Tiếp đó, để cụ thể hóa các đề xuất, các chuyên gia FPT đã có bài trình bày về 3 chuyên đề: kinh tế số, chính phủ số và công nghệ số. Các bài trình bày vừa phân tích các khái niệm, xu hướng vừa đưa ra những đề xuất, ví dụ cụ thể. Chia sẻ về chủ đề Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, chuyên gia FPT đã đưa ra những phân tích về đặc điểm kinh tế của Bắc Giang, từ đó đưa ra các gợi ý hướng áp dụng công nghệ số nhằm gia tăng giá trị trong từng công đoạn của chuỗi công ứng, giúp tỉnh đạt được những bước đột phá. Nền kinh tế của tỉnh hiện đang chủ yếu tập trung vào công nghiệp và nông nghiệp, đón đầu nhiều cơ hội đầu tư FDI, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế này sẽ giúp tạo nên mô hình kinh tế chia sẻ, tối ưu được quy trình vận hành, chi phí, thời gian và nhân lực.
Trao đổi về “Xây dựng chính phủ số”, cho rằng tỉnh đã có thành tựu nhất định trong triển khai chính quyền điện tử và cần định hướng phát triển chính quyền số, chuyên gia FPT đã chỉ ra những điểm khác biệt cốt lõi của Chính phủ số là việc khai thác nguồn dữ liệu. Như khái niệm mà Bộ Thông tin Truyền thông đã đưa ra, đó là: “Khác biệt cốt lõi của Chính phủ số, đó là sử dụng dữ liệu để ra quyết định và coi dữ liệu như là một loại tài nguyên mới, đó là chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền”. Tuy nhiên, việc không đảm bảo về chất và lượng của nguồn dữ liệu, thiếu hụt chuyên gia cùng sự đầu tư không đồng bộ tại mỗi địa phương đã trở thành thách thức trong việc xây dựng Chính phủ điện tử/Chính phủ số. FPT đưa ra nhiều ví dụ thực tế đã được đơn vị triển khai thành công cho khách hàng, qua đó khẳng định năng lực thực tiễn của FPT trong lĩnh vực khó này.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Khối ngành Chính phủ điện tử của FPT IS chia sẻ về Chính quyền số: Xu thế, phương pháp luận và những câu chuyện thành công tại hội thảo
Các đại biểu cũng được nghe giới thiệu chi tiết về khái niệm và ví dụ ứng dụng cho từng công nghệ chuyển đổi số như Cloud, Big data, AI, IoT, Blockchain, RPA, nền tảng di động mobility và an ninh mạng. Trong đó, FPT nhấn mạnh vào các đề xuất cụ thể nhằm rút ngắn thời gian và chi phí đầu tư cho địa phương như sử dụng nền tảng điện toán đám mây FPT có tích hợp sẵn các ứng dụng cho nhiều lĩnh vực, hỗ trợ cho các hoạt động khai thác dữ liệu, phục vụ cho công tác quản lý, phát triển của địa phương.
Các đại biểu đánh giá cao các đề xuất mà chuyên gia chuyển đổi số của FPT đưa ra, đồng thời mong muốn có thêm các chương trình làm việc cụ thể cho từng lĩnh vực. Phát biểu tổng kết cuối Hội thảo, Phó Chủ tịch Tỉnh ông Mai Sơn khẳng định Bắc Giang sẽ ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số lộ trình đến 2025, tầm nhìn 2030 và bày tỏ “Bắc Giang sẵn sàng minh bạch, khát vọng nằm trong top đầu cả nước”. Lãnh đạo tỉnh mong muốn trong thời gian tới các đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động nêu ra các vấn đề, “đi đầu tìm cái mới để bứt phá mới có thể phát triển, thấy hiệu quả là sử dụng, nhanh nhạy với cái mới để sử dụng”. Cùng sự đồng hành tư vấn, hỗ trợ của FPT, tỉnh Bắc Giang sẽ thí điểm chuyển đổi số tại một số cơ quan và doanh nghiệp.