FPT kết nối DN công nghệ Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hai nước trong kỷ nguyên số

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, đối thoại với 25 tập đoàn lớn của Nhật Bản. Sự kiện do FPT tổ chức với mong muốn thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa DN hai nước góp phần đưa Việt Nam thành công trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng nền kinh tế số.

29/06/2019

Sáng 28/6, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với 25 tập đoàn lớn của Nhật Bản, trong đó có các tên tuổi như Toshiba, Fujitsu, Hitachi, Daikin, Mazda, Mitsui, Omron, Yamaha… Sự kiện do FPT, tập đoàn CNTT hàng đầu của Việt Nam, tổ chức với mong muốn thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa DN hai nước góp phần đưa Việt Nam thành công trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng nền kinh tế số.

Tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ quan tâm đến nguồn cung ứng nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam đáp ứng kế hoạch mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Naoyoshi Takatsuna, CEO, Phó Chủ tịch Tập đoàn Fujitsu cho biết, ngành CNTT luôn có sự thay đổi mạnh mẽ, cần có nguồn nhân lực sắc bén, thích ứng nhanh. Do đó, việc phát triển, bồi dưỡng nhân lực CNTT là không thể thiếu đối với xây dựng hạ tầng xã hội ở Việt Nam. Ông Naoyoshi Takatsuna bày tỏ mong muốn nguồn cung nhân lực CNTT của Việt Nam sẽ ổn định, có chất lượng.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực, ông Hironobu Nishikori, CEO của Toshiba quan tâm đến chiến lược hợp tác giữa Chính phủ-Doanh nghiệp-Giới học thuật trong việc tăng cường và đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Trả lời các DN về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam xác định nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của ngành CNTT nói riêng. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực số, phấn đấu có 1 triệu nhân lực số trình độ cao trong giai đoạn 2020-2025.

Thủ tướng cũng khẳng định, trong thời gian tới, chiến lược phát triển nhân lực CNTT Việt Nam sẽ tập trung phát triển nhân lực trong các lĩnh vực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Bigdata)… nhằm tạo sự bứt phá đối với ngành CNTT Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Theo Thủ tướng, tại Việt Nam có nhiều trường ĐH đang đào tạo về CNTT, trong đó đào tạo chuyên môn sâu có ĐH FPT. Các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Nhật Bản có thể hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, phòng thí nghiệm cho việc đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu các môn học mới như AI, IoT, Bigdata, Blockchain, công nghệ điện toán đám mây, an ninh mạng,… cũng như xây dựng, cập nhật các chuẩn về nhân lực CNTT chuyên nghiệp. 

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt vấn đề với các DN Nhật Bản về việc làm sao để hai nước trở thành đối tác chiến lược về chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh mà công nghệ số, kinh tế số đang làm thay đổi kinh tế toàn cầu, năm 2019 Việt Nam sẽ tuyên bố các Chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Make in Viet Nam- sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Các chiến lược này sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn cho các DN Nhật Bản. Và câu hỏi sẽ là: Làm sao để Việt Nam và Nhật Bản trở thành đối tác công nghệ tin cậy của nhau trong kỷ nguyên số.

Sau gần 15 năm bước chân vào thị trường Nhật Bản, hiện FPT là DN CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây. Với quy mô nhân sự hơn 1.600 người làm việc tại 10 văn phòng, chi nhánh ở Nhật Bản, FPT là cầu nối quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam Nhật Bản.