FPT tự hào với ba ‘gương mặt trẻ tiêu biểu’
Trong 16 mùa trao giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu đã có 3 cán bộ FPT được vinh danh. Họ là TGĐ FPT Trương Đình Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung và Trưởng Phòng Nghiên cứu Không gian (FSpace) Vũ Trọng Thư.
•
26/03/2012
Những lĩnh vực họ được tôn vinh cũng khác nhau. Người được tuyên dương vì thành tích học tập, người lại nổi tiếng về tài kinh doanh hoặc trong lĩnh vực khoa học - sáng tạo.
Năm 1996, giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lần đầu tiên. Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ thuộc ĐH FPT, khi đó mới 18 tuổi được tuyên dương vì đạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế hai năm liên tiếp (năm lớp 11 và 12) ở Việt Nam.
Cùng năm, Trần Thế Trung quyết định ra nước ngoài tầm sư học đạo vì chán mớ lý thuyết suông và lạc hậu trên giảng đường đại học ở Việt Nam. Anh đặt niềm tin mở mang học vấn ở Đại học Quốc gia Australia và chọn ngành toán lý.
Năm thứ hai ở xứ sở Kangaroo, trong một lần tham gia trại hè, anh Trung được tiếp cận đài thiên văn quốc gia. Bằng những kiến thức tự đọc và thu lượm được về vật lý thiên văn trước đó, anh nhận làm dự án đo đạc lượng carbon trong khí quyển của một ngôi sao cách trái đất 10 tỷ năm ánh sáng.
Đây có thể coi đó là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của anh. Lần đầu tiên những kiến thức về vật lý thiên văn của anh có dịp được thực nghiệm để phân tích một ngôi sao có thật.
Sau lần đó, anh Trung hoàn toàn bị chuyên ngành vật lý thiên văn chinh phục, liên tục đi tham quan, tham gia nghiên cứu ở nhiều đài thiên văn nổi tiếng khắp nước Úc. Từ chuyện “thêm nếm” để đủ gia vị cho “món chính” vật lý, vật lý thiên văn dần ngấm vào máu anh, biến anh thành người của vũ trụ.
Hoàn thành cử nhân tại Australia, anh khăn gói sang Pháp tiếp tục tìm cách thỏa mãn cơn khát kiến thức về không gian ngoài trái đất. Luận án Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ của anh giải quyết một vấn đề cụ thể hơn: Đi sâu vào phân tích khí quyển sao Hỏa.
Dường như gần 5 năm nghiên cứu hành tinh này chẳng thấm tháp gì so với lòng khao khát khám phá vũ trụ của anh. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc luận án Tiến sĩ tại Đại học Paris 6 (Pháp), anh Trung tiếp tục nâng cao kiến thức của mình bằng một dự án khác cũng về sao Hỏa.
Bên cạnh đó, khi còn học ở Pháp, anh Trung cũng đã tham gia một số dự án nghiên cứu khoa học của Viện Vật lý Việt Nam.
Ở tuổi 30, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Pháp, bỏ qua mọi lời mời hấp dẫn trong và ngoài nước, anh chọn một công việc khá khiêm tốn: Giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH FPT.
Anh cho biết, mình cảm thấy “rất khoái” khi đọc được trên mạng các thông tin thành lập ĐH FPT. “Điều này phù hợp với nhiều ấp ủ, dự định từ lâu của tôi. Một trong những lý do tôi ra nước ngoài học là vì chán ngấy chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Khi lang thang ở nước ngoài, tôi học được nhiều thứ mới mẻ nên rất muốn đưa về áp dụng ở Việt Nam. ĐH FPT hội đủ điều kiện cho những áp dụng đó”, anh nói.
Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT được thành lập vào năm 2010. Anh được bổ nhiệm vào vị trí Viện trưởng. Theo anh Viện có đặc trưng rất hay: Đề bài sẽ do khách hàng đặt ra, hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng. FPT sẽ là khách hàng lớn nhất. Viện sẽ gắn trực tiếp với nhu cầu xã hội, nhu cầu của FPT.
Với anh “không nghiên cứu thì cũng ngứa ngáy lắm”. Hiện tại, anh vẫn tiếp tục dồn sức cho việc tìm ra các công nghệ, giải pháp ứng dụng được trong cuộc sống. Anh cũng hỗ trợ nhóm F-Space làm mô hình khoa học đo đạc công suất hiệu ứng pin mặt trời.
Mùa trao giải lần thứ hai, Giám đốc FPT Internet (nay là FPT Telecom) Trương Đình Anh được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.
Năm 1997, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet. Trên blog cá nhân của mình, anh Đình Anh kể lại, trong năm 1998, “suốt ngày chúng tôi chỉ nghĩ cách đẩy nhanh số lượng khách hàng”.
FPT Internet đã gửi hàng tấn bom thư đến khắp các khách hàng dùng e-mail, rải hàng chục nghìn tờ rơi… Đỉnh điểm của đợt khuyến mại là việc FPT Telecom tặng modem cho khách hàng - sự kiện gây chấn động thị trường Internet năm 1998 mà Báo Sài Gòn Tiếp thị chạy tít “Net - lưới nào bắt được nhiều cá?”.
Với nhiều chiêu thức kinh doanh, FPT Telecom nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với 31% thị phần, trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn thứ hai Việt Nam.
Sự năng nổ phát triển Internet đã biến Trương Đình Anh thành một nhân vật được giới truyền thông ưa chuộng. Năm đó, báo Thanh Niên giới thiệu và bầu chọn anh là một trong 10 thanh niên Việt Nam xuất sắc.
“Tôi được nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải, bằng khen của Trung ương Đoàn và số tiền thưởng 6 triệu đồng. Tôi đã ủng hộ số tiền trên vào Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh Niên”, anh ghi trong blog.
FPT Telecom dưới sự dẫn dắt của Trương Đình Anh, từ 4 người trong những ngày đầu thành lập, sau 15 năm đã có hơn 2.500 người, trở thành một trong 3 doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007); tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 5 năm liên tiếp xấp xỉ 50% mỗi năm.
Năm 2011, anh Đình Anh được bổ nhiệm vào vị trí TGĐ FPT. Bổ nhiệm một người nổi tiếng là “lăn xả, kỷ luật và hiệu quả” vào vị trí “thuyền trưởng”, FPT mong muốn anh Trương Đình Anh sẽ chèo lái con tàu FPT trong giai đoạn mới, với yêu cầu tăng trưởng 4 lần trong 4 năm và lọt vào Top 500 Forbes Global 2000.
TGĐ FPT khẳng định mục tiêu OneFPT phải được đưa lên hàng đầu trong việc kết nối hơn 12.000 người, cùng chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong những thế mạnh mũi nhọn của Tập đoàn là công nghệ - thông tin - viễn thông. “Chúng ta phải biến chỉ tiêu tăng trưởng thành pháp lệnh”, anh nhấn mạnh trong bài diễn văn nhậm chức.
FPT dưới sự điều hành của anh trong năm 2011 đã đạt doanh thu gần 26.000 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2010. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.515 tỷ đồng, tăng 24,3% so với năm trước.
Năm nay, Vũ Trọng Thư, Trưởng Phòng Nghiên cứu Không gian (FSpace), "lính" của TS. Trần Thế Trung tại Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, thuộc ĐH FPT, đã vinh dự trở thành một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011.
Nhiều người nhận định, một trong những thành công và bất ngờ lớn nhất của giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011” là “phát hiện” ra Vũ Trọng Thư. Những thành công trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của anh khiến bạn bè ngỡ ngàng, bởi Thư không phải là một kỹ sư điện tử - viễn thông hay công nghệ thông tin, cũng chưa hề học qua bất kỳ trường lớp nào về công nghệ vũ trụ.
Thư quyết định rời bỏ công việc lập trình tại FPT Software để chuyên tâm cho dự án chế tạo vệ tinh nhỏ mang tên F-1. Nhiều người, kể cả một số lãnh đạo FPT, đã bảo anh “viển vông”. Nhưng anh vẫn kiên trì thực hiện ước mơ được chạm tay tới các vì sao của mình.
Hoài bão lớn của Thư và các cộng sự cuối cùng đã được lãnh đạo FPT đặt lên “bệ phóng”. Tháng 11/2008, Phòng nghiên cứu không gian F-Space được thành lập với nhiệm vụ thực hiện dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1 CubeSat tiến tới làm chủ quy trình công nghệ chế tạo các vệ tinh nhỏ dưới 50 kg.
Trong suy nghĩ của Thư, nghiên cứu khoa học phải áp dụng được vào cuộc sống, nếu không “thà đừng làm còn hơn”. Do đó, hầu hết nghiên cứu của anh và cộng sự đều đặt yếu tố khả dụng lên đầu.
Mới đây, Vũ Trọng Thư và cộng sự đã tham gia và giành giải Nhất cuộc thi thiết kế giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn Hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu EADS tổ chức tại Việt Nam. Ngay sau đó, anh được giáo sư Nakasuka Shinichi, khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Tokyo (Nhật Bản), mời tham gia dự án UNIFORM chế tạo chùm vệ tinh nhỏ 50 kg có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo cháy rừng sớm.
Hiện tại, ước mơ của Thư là vệ tinh F-1 sẽ vượt qua được vòng kiểm tra độ an toàn bay (flight safety review) của JAXA và được phóng thành công lên quỹ đạo trong năm 2012.
Mục tiêu tối thiểu của vệ tinh F-1 là phải “sống” được trong môi trường không gian ít nhất một tháng và liên lạc (gửi/nhận) được với trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt 1.200 bit/giây.
Nếu các yêu cầu này được hoàn thành, vệ tinh mới được thử nghiệm các tính năng phức tạp hơn như thử nghiệm cảm biến từ trường 3 trục (dùng cho module xác định và điều khiển tư thế vệ tinh sau này), chức năng trung chuyển gói tin SMS hay thử nghiệm phần mềm “thông minh”…
Vệ tinh được phóng thành công, sẽ là minh chứng cho việc người Việt Nam có khả năng làm chủ quy trình công nghệ chế tạo một vệ tinh nhỏ CubeSat từ ý tưởng, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm đến thuê phóng và vận hành trên quỹ đạo.
Dù đạt được thành tích ở lứa tuổi khác nhau và lĩnh vực cũng không giống nhau nhưng cả Trương Đình Anh, Trần Thế Trung, Vũ Trọng Thư đều có chung một điều là say mê và hết mình với mục tiêu đã chọn. Họ đại diện cho thế hệ trẻ FPT dám ước mơ và kiên trì, quyết liệt thực hiện ước mơ ấy của mình.