Hội thảo “Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước”

8h30 sáng ngày 23/4, tại số 7 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, Hội thảo “Công nghệ thông tin và tương lai phát triển đất nước” đã diễn ra với sự tham dự của khoảng 60 đại biểu là lãnh đạo các Ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp CNTT, đại diện của các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các cơ quan truyền thông.

24/04/2011

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam VINASA phối hợp tổ chức, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tích cực quán triệt và triển khai văn kiện Đại hội XI, trong đó, công nghệ thông tin được ghi nhận là có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Hội thảo nhằm tái định vị vai trò của CNTT, tìm ra đường hướng biến tiềm năng CNTT thành sức mạnh, thúc đẩy sự phát triển của đất nước và nâng cao vị thế quốc gia trong tương lai.

Trong 10 năm qua Việt Nam đã có bước tiến rất ấn tượng về sự phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Ngành CNTT-TT nói chung và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng, có mức tăng trưởng hàng năm gấp từ 3-4 lần mức tăng trưởng GDP. Việc ứng dụng CNTT-TT trong xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đã có hơn 1/4 dân số Việt Nam sử dụng internet, gần 1/2 số hộ gia đình đã có điện thoại cố định, trung bình mỗi người dân có hơn 1 điện thoại di động, tuyệt đại đa số cán bộ/công chức cấp trung ương và hơn 2/3 cán bộ/công chức cấp tỉnh có máy tính, và đa số có kết nối internet. Nhiều dịch vụ công đã được thực hiện trực tuyến. Thực tế phát triển CNTT-TT trong 10 năm qua ở Việt Nam cho thấy CNTT-TT là lĩnh vực mà nước ta có khả năng bắt kịp với các nước tiên tiến trong thời gian ngắn, và cũng là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển các ngành khác mạnh nhất. CNTT-TT trên thực tế đã trở thành điểm tựa cho sự đột phá về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của Việt Nam.

Mặc dù có nhiều thành tựu, song bước phát triển CNTT-TT tiếp theo ở nước ta phải đối diện với nhiều thách thức. Nước ta là nước đang phát triển trên cơ sở của một nước nghèo về nguồn lực mọi mặt, trong đó có các nguồn lực vật chất đầu tư cho CNTT-TT và nguồn lực con người. Để vượt qua thách thức, đưa đất nước tiến nhanh, cần có lựa chọn chiến lược đúng và các giải pháp thông minh. Để biến tiềm năng đó thành hiện thực, CNTT-TT cần có vị trí đặc biệt, cơ chế đặc biệt và cách tiếp cận sáng tạo không ngừng. Những điều này chỉ có thể có được với sự nỗ lực chung của nhà nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp và toàn xã hội…