Lãnh đạo FPT cam kết về tăng trưởng 2021

Cả thế giới vẫn đang đứng trước những tác động khó lường của Covid-19. Nhưng các thành viên Ban Lãnh đạo FPT lại có cái nhìn lạc quan và khẳng định bối cảnh này chính là thời thế của FPT.

28/04/2021

Cả thế giới vẫn đang đứng trước những tác động khó lường của Covid-19. Nhưng các thành viên Ban Lãnh đạo FPT lại có cái nhìn lạc quan và khẳng định bối cảnh này chính là thời thế của FPT. 

Không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2021 cao gấp hai lần tăng trưởng năm 2020, những người chèo lái con tàu FPT còn tái khẳng định mục tiêu Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT: “Thời thế dành cho những chiến binh can trường, dám vượt qua các giới hạn để bứt phá chuyển bại thành thắng. FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn Top 50 Công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tới”.

2018, lần đầu tiên, FPT tuyên bố mục tiêu chiến lược dài hạn đứng trong TOP 50 các công ty dịch vụ Chuyển đổi số hàng đầu thế giới. Tại thời điểm hiện tại, FPT đã từng bước khẳng định được vị thế trên thương trường quốc tế. Nói về vị thế của FPT, ông Bình viện dẫn câu chuyện triển khai chuyển đổi số cho công ty kinh doanh ô tô hàng đầu ở Mỹ với giá trị hợp đồng lên tới 150 triệu USD trong bối cảnh Covid-19. “FPT phải bước vào cuộc đua với 193 công ty công nghệ sừng sỏ, thậm chí có những công ty FPT ngưỡng mộ từ lâu để được chọn vào danh sách 3 công ty mà khách hàng này sẽ ưu tiên chọn triển khai các dự án công nghệ cho họ. Chúng tôi đã thắng trong cuộc đua này và trở thành đối tác Champion - đối tác ưu tiên số 1”, ông Bình tự hào chia sẻ.

Sáng tạo, quyết liệt, tuân thủ - phong cách quản trị của lãnh đạo trẻ FPT

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2021, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT khẳng định, “Năm 2020 là một năm lửa thử vàng và chúng tôi đã vượt qua được mọi thách thức bằng sự quyết liệt, sáng tạo và sức trẻ. Chúng tôi tin rằng những thành tựu của năm 2020 sẽ tạo thế và lực cho năm 2021 và những năm tiếp theo. Ban Điều hành chúng tôi khát khao, dốc sức vì sự phát triển trường tồn của FPT và cam kết đưa tăng trưởng thành hành động của mỗi cán bộ nhân viên.”

Một trong những thế và lực quan trọng mà ông Khoa và cộng sự đã tạo ra trong năm 2020 tạo đà phát triển bền vững cho FPT trong những năm tiếp theo chính là việc sáng tạo hàng loạt sản phẩm - dịch vụ mới – động cơ tăng trưởng dài hạn, đi đôi với tối ưu hóa quản trị. 

Ở phương diện tối ưu quản trị, với tinh thần “sáng tạo, quyết liệt và tuân thủ”, FPT đã nhanh chóng kích hoạt chế độ làm việc “thời chiến”. Ban chỉ huy cấp Tập đoàn được hình thành với ba lực lượng chủ chốt gồm Ban chỉ huy hoạt động bán hàng, Ban chỉ huy chuyển đổi số, Ban chỉ huy nhân sự do đích thân Chủ tịch, Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc FPT trực tiếp phụ trách. Các “tướng lĩnh” trực tiếp tại các thị trường và các đội quân tinh nhuệ hỗ trợ, bám sát trận địa, liên tục đưa ra ý tưởng, tìm cơ hội mới trong nguy khó và dồn mọi nguồn lực vào nơi có cơ hội ký hợp đồng lớn. Nhờ đó, trong năm 2020, Tập đoàn này đã ký được 3 hợp đồng với quy mô lên tới trên 100 triệu USD tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và Malaysia và 118 hợp đồng quy mô trên 1 triệu USD, tăng 23% so với năm 2019.

Cùng với nghệ thuật quản trị đó, FPT cho biết đã quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ. Theo báo cáo trước các cổ đông, ông Khoa tiết lộ năm qua công ty đã triển khai 31 dự án Chuyển đổi số nội bộ trong mọi quy trình, từ hoạt động quản trị đến vận hành, bán hàng, nhằm nâng cao hiệu suất của mỗi cá nhân và tiết giảm chi phí, tiết kiệm gần 170 tỷ đồng. 

Chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm phát triển

Covid-19 được FPT đánh giá là thời cơ vàng của chuyển đổi số khi đầu tư số trực tiếp vào chuyển đổi không ngừng tăng, với CAGR dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023 và dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ USD vào năm 2023. 

Vậy, FPT làm gì để thời cơ vàng này không tuột khỏi tầm tay? Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT phụ trách chuyển đổi số nhấn mạnh, “chuyển đổi số sẽ tiếp tục là trọng tâm của FPT trong chu kỳ phát triển tiếp theo. Trong đó, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud), blockchain, RPA…là mũi nhọn”. Thực tế, năm 2020, doanh thu từ mảng chuyển đổi số của Tập đoàn này tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, đạt 3.219 tỷ đồng. 

Cùng với việc tiếp tục giữ được tăng trưởng cao của mảng chuyển đổi số, FPT cũng đã gây dựng được thương hiệu phần mềm Made by FPT đẳng cấp thế giới khi có những sản phẩm, giải pháp, nền tảng được thế giới vinh danh như akaBot (nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp được xướng danh tại nhiều bảng xếp hạng uy tín quốc tế: Top 6 nền tảng RPA phổ biến trên thế giới (Software Review), Top 30 Nền tảng RPA tại Nhật Bản (RPA Hack). Hệ sinh thái chuyển đổi số Made by FPT với 77 nền tảng, giải pháp mang về cho Tập đoàn này 500 tỷ đồng, tăng trưởng 51% trong năm 2020 và thúc đẩy tăng trưởng biên lợi nhuận trong dài hạn.

Bảo toàn sức khỏe tài chính doanh nghiệp

Là người “quản lý ngân khố” của FPT, ông Nguyễn Thế Phương chia sẻ ưu tiên số 1 của ông trong năm 2020 là bảo toàn sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Thay vì quản lý tài chính dưới góc độ thúc đẩy tăng trưởng cao, FPT đã chuyển sang giảm thiểu rủi ro, đảm bảo dòng tiền ổn định. Những chính sách tài chính mà ông Phương đề cập đến được Tập đoàn thực thi triệt để bao gồm bảo toàn vốn, cắt giảm chi phí đầu vào, cắt mọi chương trình không mang lại doanh thu hay hiệu quả trong ngắn hạn, đồng thời, gia tăng hiệu suất làm việc và tập trung đầu tư hiệu quả cho công nghệ lõi. Công nghệ cũng được ứng dụng triệt để để kiểm soát sức khỏe tài chính của doanh nghiệp gần như theo thời gian thực. Nhờ những quyết sách này mà biên lợi nhuận của Tập đoàn tiếp tục được cải thiện, đạt con số 17,6%, trong đó, riêng Hệ sinh thái Made by FPT đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 30%. FPT cũng là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường đảm bảo được dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong quản trị dòng tiền do kinh doanh bị gián đoạn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của FPT trong năm 2020, tăng từ 3.899 tỷ đồng lên 6.340 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 62,6% so với cùng kỳ.

Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Đây cũng sẽ là mức tăng trưởng bền vững FPT mong muốn duy trì trong dài hạn, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời cơ vàng cho các công ty công nghệ như FPT. Có vẻ các cam kết đang được Ban lãnh đạo công ty hiện thực hoá: kết thúc Quý 1, FPT công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 7.586 tỷ đồng và 1.397 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% và 22,3%.