M&A là điểm nhấn của FPT 6 tháng đầu năm

Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu tập đoàn đạt 15.211 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 107% kế hoạch lũy kế. M&A (Mua bán - Sáp nhập) là điểm nhấn nửa đầu năm 2014.

30/07/2014

Nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh thị trường trong nước còn nhiều khó khăn, FPT đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 340 triệu USD vào năm 2016 thông qua phát triển tự thân và M&A. Lũy kế 6 tháng, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 1.484 tỷ đồng (tương đương 69 triệu USD), tăng 26% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn tập đoàn. Năm 2014, doanh thu từ thị trường toàn cầu của tập đoàn ước tính tăng trưởng tối thiểu 35%.

Trong nửa đầu năm 2014, các lĩnh vực kinh doanh truyền thống của tập đoàn đều có sự tăng trưởng. MảnG Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch. Với số phát triển thuê bao trong 6 tháng đạt kế hoạch đề ra, FPT Telecom duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Trong nửa đầu năm nay, Viễn thông chính thức thông tuyến trục mạch B dài 2.400 km nhằm mở rộng vùng phủ Tây Nguyên và dự phòng cho mạch A.

Kết thúc 6 tháng, mảng kênh thuê riêng (Leased Line) của FPT Telecom đang chiếm khoảng 22% thị phần bởi đơn vị tiên phong về phương án tính cước cạnh tranh và sử dụng IP cho các đơn vị lớn (dung lượng lớn).

Ở mảng Tích hợp hệ thống, hai quý đầu năm, tất cả chỉ số trong lĩnh vực kinh doanh truyền thống của FPT IS đều chưa đạt kế hoạch. Theo TGĐ FPT IS Phạm Minh Tuấn, nguyên nhân của tình trạng này là do các hợp đồng ký chưa đúng giá trị khiến cho lãi gộp giảm; giá trị hợp đồng phần mềm, dịch vụ thấp hơn chi phí nhân lực.

Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh của FPT IS là rất nhiều cơ hội đang đến từ thị trường toàn cầu hóa và ngay tại thị trường nội địa với tỷ lệ tin học hóa chưa cao. Doanh số ký hợp đồng của đơn vị khả quan hơn so với năm trước. Một số gói thầu đã đi vào chung kết và đang bước vào giai đoạn đàm phán tại nước sở tại.

Trong 6 tháng cuối năm, FPT IS sẽ đẩy mạnh việc rà soát lại toàn bộ các khâu, thực hiện tái cấu trúc toàn diện để đưa đơn vị trở lại tốc độ tăng trưởng.

Tập đoàn vừa thực hiện thành công thương vụ M&A đầu tiên trong lịch sử FPT nói riêng và lĩnh vực CNTT Việt Nam nói chung, khi sáp nhập RWE IT Slovakia (công ty con của RWE) vào FPT Software.
 
Mảng Xuất khẩu phần mềm của FPT trong nửa đầu năm vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định với doanh thu tăng 21% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của Gatner, mảng phần mềm tại các thị trường đều đi xuống, tuy nhiên, FPT Software vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của thị trường. Hiện tại, đơn vị vẫn đứng vị trí 57 về nhà cung cấp dịch vụ IT.

Ngoài việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh 6 tháng, FPT Software cũng đã hoàn tất thương vụ M&A với Tập đoàn RWE, bằng việc sáp nhập RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia từ ngày 1/7.

Thời gian qua, đơn vị Phần mềm cũng đã đặt mối quan hệ đối tác với 53 khách hàng mới, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, châu Á - Thái Bình Dương (APAC), Singapore...

Dự kiến, bánh xe tăng trưởng của đơn vị sẽ tiếp tục lăn đều trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, FPT Software cũng đang đối diện với một số thách thức, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực. Vì vậy, Ban lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư cho việc đào tạo, tuyển dụng và kiểm soát chặt việc luân chuyển nguồn lực.

Góp phần vào tăng trưởng doanh thu của FPT trong 6 tháng đầu năm là mảng Phân phối và Bán lẻ. Trong đó, doanh thu phân phối iPhone tăng trưởng mạnh (gần 4 lần so với cùng kỳ). Quá trình mở rộng chuỗi bán lẻ đã gặt hái kết quả tốt, theo đó, doanh thu bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 81% so cùng kỳ;  lãi trước thuế đạt 71% kế hoạch cả năm.

Các chỉ số kinh doanh của FPT Retail đều có mức tăng trưởng ấn tượng và vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu các ngành hàng điện thoại, laptop, sản phẩm Apple, máy cũ và phụ kiện đều đạt từ 158 đến 211% so với cùng kỳ. Mảng bán hàng trực tuyến của công ty cũng có sự tăng trưởng tốt và hoàn thành 140% so với kế hoạch.

Hiện hệ thống cửa hàng của FPT Retail vượt mốc 120 cửa hàng và có mặt tại 54 tỉnh thành trên toàn quốc. 6 tháng cuối năm, FPT Retail tiếp tục bám sát kế hoạch mở rộng vùng phủ, tiến đến cột mốc 150 cửa hàng tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc cùng mức doanh thu 4.000 tỷ đồng.

Dù sức mua của thị trường chưa có nhiều cải thiện nhưng 6 tháng đầu năm, FPT Trading vẫn hoàn thành 111% kế hoạch. Cuộc chiến giành thị phần phân phối ICT tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ nhưng nhìn chung FPT Trading vẫn duy trì tốt vị thế của mình. Cụ thể, thị phần điện thoại di động chiếm 40%, laptop 26%, màn hình LCD 35%, PC 40%, phần mềm chiếm 33-55%. Trong đó, mảng phân phối sản phẩm Nokia và dòng laptop, deskop chiếm vị trí dẫn đầu.

Bên cạnh đó, thị trường Myanmar tiếp tục thu về những tín hiệu tích cực và hoàn thành 105% kế hoạch đề ra. Trong hai quý cuối năm, cùng với việc duy trì ngành hàng truyền thống, FPT Trading sẽ đẩy mạnh mở rộng danh mục các sản phẩm mới và tìm kiếm thị trường mới trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn để chuẩn bị cho sự phục hồi của thị trường.

Theo bà Trần Thu Trang, Phó TGĐ FPT Online, kết thúc 6 tháng, đơn vị đạt 102% kế hoạch, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tương ứng đạt 127% kế hoạch, tăng trưởng 23% so với 6 tháng đầu năm ngoái. “FPT Online có tín hiệu tốt ở một số sản phẩm mới khi doanh thu từ thương hiệu, dịch vụ mới ghi nhận mức tăng ấn tượng như Ngoisao.net, trang Du lịch, Video…

Ngoài việc đẩy mạnh kinh doanh, FPT Online cũng tiến hành tái cơ cấu nhân sự, đồng thời tối ưu các chi phí khác. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh các hướng kinh doanh mới nhằm đảm bảo vị thế dẫn đầu thị trường. “Đơn vị sẽ tập trung khai thác, phân tích và tối ưu cơ sở dữ liệu khách hàng với các sản phẩm mới, đa tính năng và dễ dàng đo đếm được”, bà Trang cho biết.

Riêng mảng Game, doanh số và lợi nhuận ghi nhận mức sụt giảm do thị trường chung của lĩnh vực này đang gặp khó khăn.

Trong mảng Giáo dục, năm nay, ĐH FPT tuyển sinh trong bối cảnh học sinh phổ thông tốt nghiệp giảm đều trong 5 năm vừa qua mỗi năm 5%, xuất hiện một số trường tư hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận và năm 2014, một số trường được nới lỏng đầu vào khi chỉ xét tuyển dựa trên học bạ cấp 3. Vì vậy, số lượng tuyển sinh mới với ĐH FPT gần như không tăng, còn FPT Polytechnic và khối liên kết dù tăng nhưng chưa đạt được kế hoạch của từng tháng.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là gần 100% sinh viên đang học tập và sinh hoạt trong môi trường ký túc xá tại cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội). Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng, đây là điều kiện tốt để sinh viên học tập, sinh hoạt, giao lưu và phát triển khả năng cá nhân. Chính sách của khối Giáo dục trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn cầu hóa giáo dục, phát triển hình thức đào tạo tiếng Anh và online, tăng số lượng giờ dạy của giảng viên cơ hữu…

Ban lãnh đạo Sendo.vn báo cáo với Ban điều hành FPT về kết quả 6 tháng và kế hoạch từ nay đến cuối năm.

Từ một dự án tách ra từ FPT Online nhưng Sendo.vn đã tạo điểm nhấn bằng việc thâu tóm mảng thương mại điện tử của VNG sau khi hoàn tất mua lại 123mua.vn với tầm nhìn trở thành sàn giao dịch số một Việt Nam về số lượng đơn hàng đi qua (hiện đã là số một), traffic (lượng người dùng) và giá trị đơn hàng.

Trang thương mại điện tử của FPT đã ra mắt phiên bản Sendo 2.0 do đơn vị tự phát triển; nâng cấp dịch vụ trên Sendo thông qua hệ thống Shop Hoa Sen (sau 4 tiếng xác nhận đơn hàng), đánh giá shop (hoàn thành bao nhiêu đơn hàng, đánh giá sao) và trình làng phiên bản mobile giúp tăng gấp đôi lượng mobile traffic.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng, Sendo sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ bằng việc tăng chất lượng website và vận hành. “Chúng tôi sẽ tạo ra website tiện lợi, nhiều tính năng, giao dịch thuận tiện; mở rộng tập khách hàng trong mảng thời trang”, ông Dũng khẳng định. ‘Sendo hướng sự tập trung vào đối tượng phụ nữ thành thị và ngành hàng chủ chốt vẫn là thời trang song song với lĩnh vực đồ gia dụng, bếp, phụ kiện điện tử”.