Những điều đưa FPT lên mức giá trị cao nhất lịch sử
•
15/12/2023
“Nếu mình “leng keng” và tất cả người FPT cùng “leng keng”, những mục tiêu thách thức sẽ đều đạt được” - Xuất phát từ câu nói của Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, Tập đoàn FPT đã chọn linh vật cho năm 2023 của mình là một con robot mang tên Leng keng.
Thực tế họ đã có một năm rất 'leng keng': Doanh thu và lợi nhuận đều lên đỉnh cao mới trong lịch sử, doanh thu xuất khẩu phần mềm dự kiến lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD, liên tiếp 4 thương vụ M&A tại nước ngoài, đầu tư vào LandingAI và mở khoa đào tạo bán dẫn bậc Đại học, cao đẳng với cam kết cho 'ra lò' 10.000 kỹ sư bán dẫn.
Trong khi thực hiện những điều đó, FPT đều đặn công bố Báo cáo tài chính quý với mức tăng trưởng trên dưới 20% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao, đều đặn và ổn định nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cùng với kết quả kinh doanh, giá thị vốn hóa thị trường của FPT vươn đến mức cao nhất lịch sử vào tháng 9/2023 với 125.700 tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD). Sau một số đợt thăng trầm của thị trường chứng khoán, tính đến ngày 14/12/2023, cổ phiếu FPT đã mạnh mẽ tăng trở lại, đưa giá trị vốn hóa của FPT là 122.171 tỷ đồng - gần trở về mức đỉnh.
"Thực ra cho đến giờ vẫn nhiều người hỏi có phải FPT đi gia công phần mềm? Câu trả lời chắc chắn là không, nhưng chúng tôi không đi thanh minh cho việc đó mà tập trung vào việc quan trọng là giữ được hàng chục nghìn việc làm ổn định. Tôi luôn cho rằng khi mang được 1 USD từ thị trường nước ngoài về, FPT sẽ có thêm 4 – 5 USD tri thức" - Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc (TGĐ) của FPT nói.
FPT - 'Doanh nghiệp của năm 2023' đã làm thế nào để đạt phong độ như trên?
Mặc dù kinh doanh 3 lĩnh vực trọng tâm là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục với mức tăng trưởng từng lĩnh vực rất khác nhau, nhưng mức tăng trưởng doanh thu cho 3 quý 2023 của FPT vẫn đều đặn đến kỳ lạ: 20,1%, 21,9% và 23%... Trong đó, động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ xuất khẩu phần mềm – đóng góp gần một nửa doanh thu 9 tháng đầu năm và tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.
Họ cũng đặt kế hoạch duy trì mức tăng trưởng 25% mỗi năm trong vòng 13 năm tới.
Khi sự chú ý luôn có xu hướng tập trung vào những ngành nghề hot, những đơn vị tăng trưởng đột biến thì sự tăng trưởng ổn định của FPT có phần “nhàm chán”. Nhưng trong giai đoạn nền kinh tế trong và ngoài nước gặp khó khăn thì câu chuyện tăng trưởng bền vững của FPT thực sự là điểm sáng nổi bật.
Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, đằng sau điều 'kỳ lạ' ấy là kỷ luật thực hiện kế hoạch của FPT, hay nói cách khác là tính trách nhiệm, sự cam kết của người đứng đầu khi nhận nhiệm vụ. Hệ thống quản trị của FPT được xây dựng mạch lạc, chuẩn chỉnh với những nhiệm vụ phải thực hiện tính theo hàng ngày, hàng tháng và hàng quý.
"Dự báo tình hình chuẩn xác, lên kế hoạch chặt chẽ, hành động kỷ luật, tập trung vào các mũi nhọn tăng trưởng, nó sẽ tạo nên sự tăng trưởng ổn định. FPT không tăng trưởng ầm ầm rồi khi khủng hoảng thì xuống rất nhanh, thậm chí mất hết. Chúng tôi đều đặn tiến bước" - Ông Khoa nói.
Thực tế - theo vị TGĐ FPT - các cấp từ lãnh đạo, quản lý đến nhân viên trong nội bộ FPT luôn nỗ lực để làm tốt hơn kế hoạch và nắm bắt thời cơ. Đó là cơ sở tăng trưởng của FPT trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
FPT lấy lại quỹ đạo tăng trưởng 2 con số của mình 4 năm trở lại đây sau khi thoái vốn ở mảng bán lẻ (FPT Retail), phân phối (Synnex FPT) và hạch toán kết quả kinh doanh của hai mảng này theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Đến năm 2022, doanh thu của FPT đã vượt qua con số lúc công ty còn hợp nhất mảng bán lẻ và phân phối vào Báo cáo tài chính (năm 2017).
"Trong 4 năm qua chúng tôi không quá ồn ào nhưng đã thay đổi rất nhiều thứ" - Ông Khoa giải thích.
Thay đổi lớn đầu tiên đến từ nội tại doanh nghiệp, đó là những thay đổi mà ông Khoa miêu tả là 'rất quyết liệt', bao gồm luân chuyển cán bộ, điều chỉnh thu nhập, áp dụng chính sách lương khoán, thúc đẩy chuyển đổi số nội bộ, vận hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Theo đó, các nền tảng quản trị của tập đoàn đều đã được nâng cấp từ 2-3 bậc. Những lãnh đạo đã thành công phải luân chuyển đến những nơi xa hơn, khó khăn hơn để đảm nhiệm trọng trách mới. FPT cũng chuyển phương pháp quản lý thành tích từ BSC (Balanced ScorecardCard) sang OKR (Objectives and Key results).
Thứ hai, khai thác lợi thế của hệ sinh thái FPT: Đầu ra của đơn vị này có thể là đầu vào của đơn vị khác, năng suất lao động của đơn vị này có thể là cảm hứng của một đơn vị khác.
Thứ ba, liên tục đầu tư vào những lĩnh vực mới để cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Mỗi năm FPT dự kiến đầu tư khoảng 100 triệu USD cho các thương vụ M&A, để bổ sung các mảnh ghép về các mảng dịch vụ, lĩnh vực còn thiếu và mở rộng tập khách hàng. Năm nay, FPT hoàn tất 3 thương vụ tại Mỹ với các công ty Intertec International, Landing AI, Cardinal Peak và 1 thương vụ tại Pháp với công ty tư vấn công nghệ AOSIS.
Việc mở rộng kinh doanh của FPT trên toàn cầu gặp nhiều thuận lợi nhờ chính sách ngoại giao của quốc gia. Bên cạnh mạng lưới khách hàng, kinh nghiệm và uy tín mà họ đã tích luỹ được trong nhiều năm đi ra nước ngoài, vị thế đang lên của Việt Nam trên trường quốc tế tạo ra những tác động tích cực cho hình ảnh FPT – doanh nghiệp được đánh giá là đại diện tiêu biểu của ngành công nghệ Việt Nam.
Trong khi đó, một trong những lợi thế cạnh tranh của FPT còn là chi phí thấp.
"Dù mặt bằng lương của kỹ sư công nghệ Việt Nam đã tăng lên nhưng giá thành sản phẩm làm ra vẫn vô cùng cạnh tranh so với các nước khác. Ngoài ra khách hàng quốc tế cũng rất thích tính khiêm tốn của người Việt Nam khi mà chúng ta có thể làm cho họ 10 phần nhưng chỉ nói ở mức 4-5. Khác với một số DN nước khác, dù chỉ làm được 4-5 phần nhưng có thể nói thành 10 phần thậm chí là 20" - Ông Khoa cho biết.
Trở lại với câu chuyện "FPT có đi gia công hay không", ông Khoa nói rằng: Nếu chỉ làm gia công thì liệu chúng tôi có thể M&A được các công ty công nghệ lớn tại Mỹ, Nhật, châu Âu như những năm qua không? Liệu tỷ trọng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số có chiếm tới 45% tổng doanh thu dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài được không? Và năng suất lao động có tăng 10-25% không? Thực tế là, tri thức, năng lực công nghệ, các sản phẩm, giải pháp của người Việt Nam đã được công nhận trên toàn cầu.
Mùng 6 tết năm 2020, COVID-19 mới chỉ xuất hiện ở Vũ Hán nhưng ngay trong ngày đi làm đầu tiên, ông Trương Gia Bình đã viết ra bản thảo mang tên "Chuyển 10", nói về 10 việc FPT cần làm trong bối cảnh đó: Không để nhân viên nào tử vong vì COVID-19, không để nhân viên mất việc vì COVID-19, FPT chuyển toàn bộ việc quản trị, vận hành của mình sang "thời chiến"…
Theo nhãn quan của ông Trương Gia Bình, FPT sẽ bước vào một cuộc chiến giữa lằn ranh sinh tử về tính mạng của con người cùng sự tồn tại của doanh nghiệp.
"Chúng tôi đã có sự chuẩn bị trước một năm so với thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam. Đến năm 2021, khi COVID-19 vẫn còn đang hoành hành, FPT đã lại chủ động đề ra chiến lược tái sinh sau đại dịch. Nói thế để thấy nhiều tình huống xấu đã được chúng tôi chuẩn bị trong các kịch bản của FPT" - Ông Khoa kể lại.
Sự chủ động chuẩn bị cùng sự linh hoạt trong chính sách hỗ trợ khách hàng đã giúp cho FPT vượt qua các đối thủ lớn đến từ châu Mỹ, châu Âu, Ấn Độ để ký được những hợp đồng trăm triệu USD với khách hàng quốc tế.
"FPT dự báo được 1 số kịch bản xấu, phỏng đoán những nguy cơ xảy ra, tìm xem mầm mống đó nằm ở đâu nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm tích lũy, nhờ vào việc thường xuyên cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và đặc biệt là hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Bên cạnh đó, còn nhờ văn hoá bình đẳng, dân chủ. Ai cũng có quyền cho ý kiến, phản biện. Cấp dưới không phải "nhìn sắc mặt" của cấp trên khi đưa ra ý kiến." - Ông Khoa trả lời khi được hỏi cách thức để FPT dự báo rủi ro.
Theo ông Khoa, khi Chủ tịch Trương Gia Bình đề cập đến một vài thông tin trên thị trường mà vị doanh nhân lão luyện này cảm thấy chú ý, các thành phần trong bộ máy FPT sẽ đi tìm kiếm thông tin liên quan để tiến hành phản biện cho đến khi thống nhất được kịch bản tốt nhất. Vài dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng, nguy cơ báo trước về sự suy thoái của một lĩnh vực … đã được FPT đánh giá và lên kế hoạch trước 2-3 tuần, thậm chí nhiều tháng.
"Khả năng dự báo sớm như vậy đến từ sự tích lũy nhiều hơn là ăn may. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm, chúng ta có thể đưa ra các quyết định chính xác hơn" - CEO của FPT nói.
Khả năng đó một lần nữa được nhìn thấy trong sự chuẩn bị và 'ra quân' quyết liệt của FPT trong lĩnh vực bán dẫn.
Giữa năm 2022, một công ty thiết kế và sản xuất chip bán dẫn trong hệ sinh thái của FPT - FPT Semiconductor chính thức công bố dòng chip vi mạch (IC) đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Sự kiện này hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi người Việt Nam.
Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, phát triển dòng chip này đều được thực hiện bởi những kỹ sư của FPT tại Việt Nam. Đây là những phần tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong chuỗi sản xuất chip. Còn 2 khâu chiếm giá trị thấp hơn là chế tạo được thuê ngoài tại các nhà máy Hàn Quốc và đóng gói được thực hiện tại Đài Loan. Theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình, FPT đã nhận được 70 triệu đơn hàng chip trên toàn thế giới cho đến năm 2025.
Đánh giá về tiềm năng của mảng sản xuất chip, tại Đại hội đồng cổ đông 2023 diễn ra vào tháng 3, ông Trương Gia Bình nhận định Việt Nam có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip lớn trên thế giới.
6 tháng sau, vào ngày 11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam, sau đó 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện - cấp độ cao nhất trong thứ bậc quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm Mỹ và làm việc với các công ty bán dẫn lớn. Một loạt những kế hoạch mới được công bố mở ra khả năng thu hút dòng vốn khổng lồ đổ vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
Mỹ đang thể hiện rõ động thái hạn chế tăng trưởng chất bán dẫn ở Trung Quốc và đa dạng hóa nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với nhiều nền kinh tế thân thiện khác nhau như Liên minh Chip 4 của Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam cũng là một quốc gia được Mỹ ủng hộ sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn với mục tiêu phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Tuy nhiên, thách thức đầu tiên để FPT Semiconductor tạo dựng được vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị chip toàn cầu là việc Việt Nam còn thiếu nhân tài và năng lực R&D trong giai đoạn hiện tại.
Để giải quyết việc đó, FPT đã đẩy mạnh đầu tư vào mảng giáo dục của mình. Tháng 9/2023, FPT chính thức mở Khoa Vi mạch và bán dẫn tại trường ĐH FPT. Ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ: "Thị trường bán dẫn ở Việt Nam đã ngủ đông rất nhiều năm. FPT mở ngành đào tạo vì thấy nhiều cơ hội trong đó" - Ông Khoa cho biết.
Đồng thời, khi nhu cầu nhân sự đang gấp rút, FPT muốn rút ngắn quá trình đào tạo một thế hệ sinh viên có nền tảng về chip bán dẫn.
"4 năm là quá lâu. Vì thế, chúng tôi đưa chương trình đào tạo xuống cao đẳng để đẩy nhanh quá trình học. Tháng 11/2023, FPT Polytechnic là đơn vị cao đẳng đầu tiên tại Việt Nam đào tạo ngành công nghệ bán dẫn, bổ sung nhân lực kỹ sư thực hành, kỹ thuật viên bán dẫn" - TGĐ của FPT chia sẻ.
FPT đã cam kết với Thủ tướng sẽ đào tạo ra 10.000 kỹ sư chip bán dẫn đến năm 2030, chiếm ⅕ kế hoạch về kỹ sư bán dẫn của Chính phủ.
Với năng lực xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và hiệu quả, chip bán dẫn là động cơ cung cấp năng lượng cho các thuật toán phức tạp để đào tạo và hình thành nên Trí tuệ nhân tạo (AI). Trước khi tạo ra được chip vi mạch để trở thành một công ty phần mềm có khả năng sản xuất phần cứng, FPT đã tham gia sân chơi AI từ lâu.
Nếu như số đông người dùng mới biết đến sức mạnh của AI nhờ sự nổi lên của ChatGPT trong khoảng 1 năm qua thì từ hơn 10 năm trước, FPT đã đưa những giải pháp ứng dụng AI đầu tiên vào quản lý giao thông tại các thành phố HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Tp. HCM có thể kết hợp hơn 1.000 camera giám sát với hơn 70.000.000 dữ liệu GPS mỗi ngày để điều phối giao thông, giảm thời gian chờ tại các nút giao thông, tăng năng lực thông hành từ 15-20%.
Năm 2017, FPT ra mắt FPT.AI. Năm 2020, FPT là tập đoàn công nghệ đầu tiên tại Đông Nam Á trở thành đối tác chiến lược của Viện Nghiên cứu AI Mila (Canada). Mỗi năm, FPT đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho nghiên cứu và từ 2021, đầu tư thêm 300 tỷ đồng cho mảng công nghệ này trong vòng 5 năm. Cũng trong năm này, FPT đã hình thành Trung tâm AI 15.2ha tại Quy Nhơn, động thổ xây dựng từ tháng 2/2023.
"Ai nắm được AI và bán dẫn có thể dẫn dắt cuộc chơi công nghệ. FPT sẽ không bỏ lỡ làn sóng ấy" - Ông Khoa nói.
AI là một khái niệm rất rộng mà theo ông Khoa, khó để xác định vị thế của một đơn vị trên thị trường AI nói chung. Thông thường, người trong ngành sẽ xác định công ty đứng đầu trong một lĩnh vực cụ thể như AI trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trong phân tích dữ liệu, hay trong xử lý hình ảnh, giáo dục, y tế...
Ở Việt Nam, FPT nằm trong top đầu về dịch vụ AI, và có lẽ cũng là DN Việt Nam duy nhất kinh doanh dịch vụ AI tại nước ngoài. Nhưng trên trường quốc tế, nếu tính theo giá trị hợp đồng, FPT vẫn chưa lọt top 100.
Mặc dù vậy, Tập đoàn này đã và đang tham gia vào những dự án AI rất lớn cùng với nhiều công ty hàng đầu trên thế giới. Sau quá trình hợp tác nghiên cứu với AI Mila, FPT đã được mời triển khai hệ thống AI cho một số công ty là đối tác của họ, qua đó tiếp cận các khách hàng có nhu cầu lớn.
Một ví dụ, FPT đang cung cấp công cụ AI tư vấn cho các công ty sản xuất xe điện tại Châu Âu. Nó tính toán được lượng pin còn lại trong xe, tìm kiếm trạm sạc hợp lý. Hệ thống trạm sạc xe điện cần thiết kế hoàn toàn khác với hệ thống cây xăng dành cho xe xăng, bởi lẽ khả năng vận hành của xe điện hiện nay rất đa dạng. Có xe chỉ đi được 160km - 200 km là hết điện nhưng có xe đi được đến 600km. Vì vậy AI của FPT sẽ tính toán để thiết kế vị trí đặt trạm sạc dựa trên các số liệu đã cung cấp.
Với chiến lược GenAI first - làm chủ AI tạo sinh, tháng 10 vừa qua, FPT đã ra mắt nền tảng FPT GenAI dành cho doanh nghiệp. Chiến lược này sẽ giúp FPT tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực "hot trend" này.
Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT muốn tạo ra một trợ lý AI đồng hành với người dân Việt Nam trong cuộc sống, tập trung vào các lĩnh vực pháp lý, sức khỏe và giáo dục.
"Hệ thống này có phần tốt hơn cả ChatGPT bởi vì ChatGPT chuyên về giải đáp, cung cấp thông tin, còn trợ lý AI của FPT thiên về khuyến nghị. FPT có thể làm một AI như thế vì công nghệ gốc của ChatGPT xử lý rất tốt bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ latin nhưng ngôn ngữ tiếng Việt lại chưa được xử lý tốt vì tiếng Việt của chúng ta có quá nhiều tầng ý nghĩa trong mỗi câu chữ" - Ông Khoa nói.
Tại Diễn đàn công nghệ FPT Techday 2023, FPT tổ chức lễ ký kết hợp tác và công bố đầu tư chiến lược vào Landing AI, bàn về một kế hoạch mở trung tâm kỹ thuật tại Việt Nam để phát triển nhân sự AI chất lượng cao. Đồng thời, 2 bên cũng có kế hoạch xây dựng giáo trình chuyên đào tạo về AI cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của FPT.
Landing AI được sáng lập bởi Tiến sĩ Andrew Ng, người đồng sáng lập Coursera, cũng là một trong Top 100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI do Tạp chí Time bình chọn. Ông Trương Gia Bình nói rằng: "Chúng tôi hiểu trái tim của cách mạng công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo, sự khác biệt của quá khứ và tương lai là AI. FPT muốn đem chương trình đào tạo về những công nghệ đó cho tất cả trẻ em Việt Nam".
Với AI, các học sinh của FPT sẽ được cá thể hóa từ năm cấp hai. Thay vì học chung chương trình và cùng làm những bài tập giống nhau, AI có thể phân tích chính xác năng lực, cá tính của từng học sinh để đánh giá và sắp xếp khối lượng các môn học cho từng cá nhân.
Không phải học sinh nào cũng học giỏi đều tất cả các môn. FPT muốn tìm hiểu môn học yêu thích của học sinh từ sớm để giao bài tập đúng sở trường, giúp các em có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình." - TGĐ của FPT chia sẻ.
Có rất nhiều thách thức với FPT cũng như các doanh nghiệp làm ăn ở châu Âu trong tương lai do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, căng thẳng giữa Isarel với Palestine...
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các đối tác lớn của FPT có thể rút gọn danh sách công ty hợp tác.
"Trước đây họ có thể bắt tay với 100 công ty, nhưng do khủng hoảng kinh tế, họ chỉ còn 5 đối tác. 95 'ông' còn lại có thể không chết nhưng sẽ hợp thành 5 'ông' to để dẫn dắt cuộc chơi. Đó là thứ FPT hướng đến" – Ông Khoa nói.
Một thách thức khác FPT đang chủ động hoá giải là nguồn nhân lực. Thị trường về CNTT và chuyển đổi số trên thế giới rất lớn và cần lực lượng lao động trẻ. Ấn Độ và Việt Nam đang nổi lên là nước có nguồn nhân lực trẻ để có thể bắt kịp xu hướng phát triển của ngành. Mục tiêu của FPT là phải tạo ra 1 triệu người làm CNTT đến năm 2035.
"Việc có 1 triệu nhân viên tuy hơi mơ mộng nhưng không hão huyền. Cứ 3 năm, FPT lại tăng gấp đôi số người lao động. 3 năm trước công ty có 35.000 nhân viên, đến bây giờ là khoảng 70.000 người. Như vậy đến năm 2035 chúng tôi có thể đạt 1 triệu người, trong đó có một tỷ trọng lớn kỹ sư, chuyên gia người nước ngoài từ Đông Âu và Ấn Độ. Trường của FPT đang xây dựng ở nhiều nơi để thực hiện hóa mục tiêu đó" – Vị TGĐ nói.
Tuy nhiên, vẫn còn thách chức đến từ các đối thủ Mỹ và Ấn Độ. FPT sẽ phải cạnh tranh với họ về giá cả dịch vụ, về năng lực của người lao động và uy tín.
"Không có văn hoá cổ suý cá nhân chủ nghĩa, FPT đạt được các kết quả như hiện tại nhờ sự gắn kết nhiều ước mơ nhỏ thành một ước mơ lớn. Thuở mới thành lập, anh Bình muốn lập ra một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ. Điều đó đã truyền cảm hứng cho mỗi thành viên của FPT. Công nghệ là con đường FPT đã chọn. Chúng tôi luôn có kế hoạch rõ ràng để biến ước mơ thành hiện thực" – Ông Khoa kết luận.