FPT chia cổ tức 40% năm 2021, duy trì khả năng tăng trưởng bứt phá 2022
•
07/04/2022
Ngày 7/4/2022, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 (ĐHĐCĐ 2022) của Công ty cổ phần FPT đã thông qua kế hoạch tăng trưởng bền vững với mục tiêu doanh thu tăng 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. FPT sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 40% (20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1). Đại hội được tổ chức kết hợp 2 hình thức trực tiếp và qua Giải pháp ĐHĐCĐ trực tuyến do FPT phát triển.
Công nghệ là sức mạnh cốt lõi, phục vụ lợi ích triệu người dùng
Giữ vững vị thế tiên phong trong xu hướng chuyển đổi số trên toàn cầu, năm 2022, FPT tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động, mở rộng hơn nữa tập khách hàng ở mọi quy mô và lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Tại thị trường nước ngoài, FPT sẽ tập trung xây dựng năng lực tư vấn, phát triển các giải pháp công nghệ mới để hoàn thiện gói giải pháp số cho khách hàng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục theo đuổi chiến lược “Săn cá voi”, tập trung khai thác các khách hàng có quy mô doanh số lớn (large deal), nhất là khi năm 2021, số lượng dự án trên 5 triệu USD tăng gấp đôi và đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực.
Để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, Tập đoàn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các trung tâm khu vực khác như Ấn Độ, Philippines, Slovakia, Czech, Canada, Costa Rica, Columbia, Nhật Bản…; mở rộng đầu tư tại các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu tăng cao trên quy mô toàn cầu. Từ đó, đưa FPT trở thành đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của các khách hàng triệu đô trên toàn cầu.
Với nhóm khách hàng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt nhóm doanh nghiệp lớn, dẫn đầu các ngành Tài chính, Bất động sản, Sản xuất, Y tế…, Tập đoàn tập trung cung cấp các hệ thống công nghệ nền tảng hỗ trợ kinh doanh và quản trị như ERP, CRM, HRM, quản trị sản xuất… tích hợp các ứng dụng, giải pháp chuyên sâu dựa trên các công nghệ mới và các dịch vụ quản trị hạ tầng CNTT điện toán đám mây.
Chỉ trong năm 2021, FPT liên tiếp thiết lập kỷ lục cho ngành xây dựng – bất động sản (XD-BĐS) - một mảng thị trường đặc thù với yêu cầu phức tạp bậc nhất. Điển hình như: Golive hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP cho tổng thầu Coteccons chỉ trong 100 ngày - tạo nên chuẩn mực mới triển khai ERP cho ngành XD-BĐS; Khởi động triển khai dự án chuyển đổi số tổng thể và toàn diện với quy mô triển khai lớn nhất với thời gian tối ưu 28 tháng cho 90 công ty thành viên của tập đoàn Đất Xanh. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng đầu ngành tiếp tục lựa chọn FPT là đơn vị đồng hành triển khai như Tập đoàn An Gia, Filmore. Những thành công bước đầu này giúp FPT khẳng định năng lực tư vấn, triển khai các hệ thống quản trị doanh nghiệp tổng thể cho ngành XD-BĐS, là tiền để để FPT tiếp tục phát triển giải pháp chuyên sâu cho các chuyên ngành khác và chinh phục thêm nhiều khách hàng lớn trong năm 2022.
Với nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, FPT tiếp tục phát triển và mở rộng các giải pháp Made by FPT kết hợp với nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn tạo ra một nền tảng quản trị tích hợp duy nhất đáp ứng nhu cầu khách hàng trong mọi lĩnh vực.
Với khách hàng cá nhân, FPT đẩy mạnh các dịch vụ, sản phẩm mới và trải nghiệm dịch vụ tốt nhất trong mọi điểm chạm. Các dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng do FPT sản xuất/phân phối sẽ được cung cấp rộng rãi khắp 63 tỉnh thành thông qua các hệ thống cửa hàng, kênh phân phối và đại lý phân phối mới. Đồng thời, dịch vụ khách hàng và trải nghiệm dịch vụ được cải tiến và nâng cao liên tục với sự hỗ trợ của công nghệ qua các hệ thống Chatbot, Voicebot, AI…
Bên cạnh đó, nhận thấy xu thế chuyển dịch sang giáo dục tư nhân chất lượng cao, FPT sẽ triển khai mở rộng cả theo chiều dọc (bổ sung các chương trình dạy học mới cho các phân khúc học sinh khác nhau) và chiều ngang (mở rộng và xây mới các cơ sở mới tại các tỉnh thành khác nhau), quyết tâm trở thành hệ thống giáo dục mega quy mô lớn tại Việt Nam. Để đạt được điều này, FPT sẽ ứng dụng chuyển đổi số để đảm bảo chất lượng đào tạo, xây dựng trải nghiệm của học sinh, đẩy mạnh phát triển thương hiệu giáo dục của FPT, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.
Bước sang năm 2022, bên cạnh việc bền bỉ theo đuổi định hướng công nghệ về Chuyển đổi số, FPT tiếp tục “quyết chiến” khi “start-up” các sản phẩm số phục vụ cho các giá trị cơ bản con người, gia đình, cộng đồng… như học tập, công việc, thực phẩm, sức khoẻ. Trong đó, kỳ vọng về các sáng kiến số này sẽ đáp ứng nhu cầu về ăn (sạch – rẻ), học (hứng khởi – sáng tạo), làm (kết nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng nhanh nhất với chi phí thấp nhất), và khoẻ (chăm sóc sức khoẻ người dân chu đáo nhất, tốt nhất và thuận lợi nhất) của hàng triệu người dùng.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tạo ra nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá, mang lại nhiều lợi ích cho hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp khắp toàn cầu, hàng triệu người dân. Tiếp theo, FPT sẽ đưa ra những giải pháp, sản phẩm công nghệ đột phá đáp ứng những giá trị cơ bản nhất của con người”.
Ông Trương Gia Bình Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ tại Đại hội
Tiên phong dẫn dắt thị trường công nghệ trong nước
Là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ dẫn đầu xu hướng như AI, Cloud, Big Data, Blockchain, Hyper Automation để phát triển và cung cấp các sản phẩm, giải pháp, nền tảng dẫn dắt sự phát triển của thị trường công nghệ trong nước, đáp ứng nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn cầu, đồng thời tạo động lực tăng trưởng cho Tập đoàn trong dài hạn.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT sẽ không ngừng được mở rộng và hoàn thiện, giúp doanh nghiệp, tổ chức ở mọi quy mô, lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực để vượt qua các thách thức. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu 42,8% năm 2021, Hệ sinh thái Made by FPT được xem là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn quan trọng của FPT trong dài hạn.
Bên cạnh đó, FPT định hướng sẽ trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ Cloud top đầu thị trường. Trong 3 năm tiếp theo, dự kiến tổng mức đầu tư cho nghiên cứu công nghệ Cloud (bao gồm chi phí thiết bị hạ tầng, phát triển ứng dụng) của FPT là 2.300 tỷ đồng. Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng thiết bị Cloud (Data Center) đạt tiêu chuẩn Tier III Constructed facility; tiếp tục mở rộng hệ sinh thái Cloud của FPT với 100 dịch vụ, sản phẩm, giải pháp trong năm 2022.
Công nghệ AI cũng sẽ được tích hợp vào tất cả các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ Made by FPT tạo ra những sản phẩm, giải pháp thông minh với những tính năng vượt trội cho từng ngành, từng lĩnh vực. Hiện nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI với hơn 20 giải pháp đang phục vụ hơn 11 triệu người dùng cuối, và 200 triệu lượt sử dụng/năm. Trong thời gian qua, FPT đã phát triển và đào tạo các chuyên viên ảo như: chuyên viên tuyển dụng ảo, chuyên viên chăm sóc khách hàng ảo, chuyên viên y tế ảo, chuyên viên bán hàng ảo... giúp nhiều doanh nghiệp, tổ chức ghi nhận những đột phá về hiệu suất làm việc.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ: “FPT sẽ tiếp tục đón đầu các xu hướng công nghệ mới của kỷ nguyên internet Web 3.0, Metaverse… và kiến tạo giải pháp dịch vụ chuyển đổi số đẳng cấp, hiện thực hoá các cơ hội đột phá. Điều này không chỉ phục vụ cho việc phát triển nội tại của FPT mà còn phụng sự cho sự phát triển bền vững của cổ đông, nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và CBNV”.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT chia sẻ tại Đại hội
Nâng tầm quản trị, khẳng định đẳng cấp
Năm 2022, HĐQT FPT bổ nhiệm ba thành viên mới: Ông Hampapur Rangadore Binod, ông Hiroshi Yokotsuka; bà Trần Thị Hồng Lĩnh; đồng thời cũng sẽ chia tay ba thành viên bao gồm: ông Lê Song Lai (bổ nhiệm năm 2012), ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo (đồng bổ nhiệm năm 2014).
Hội đồng quản trị FPT nhiệm kỳ 2022 - 2027
Các nhân sự bổ sung đều sở hữu bề dày kinh nghiệm trong việc quản trị các doanh nghiệp công nghệ, đồng thời sở hữu nền tảng chuyên môn sâu rộng trong các lĩnh vực mà FPT hướng đến trong thời kỳ tăng trưởng mới.
Cụ thể, ông Hampapur Rangadore Binod sở hữu 36 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin. Ông là một trong những công thần hàng đầu tại Infosys - công ty CNTT Ấn Độ đứng thứ 4 thế giới theo Brand Finance. Ông Hiroshi Yokotsuka từng là Chủ tịch của Hiệp hội CNTT Nhật Bản, có gần 50 năm cống hiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin, là người dẫn dắt cuộc cải cách toàn diện về CNTT cho Tokio Marine & Nichido Fire Insurance (công ty bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản) nói riêng và ngành bảo hiểm Nhật Bản nói chung. Trong khi đó, bà Trần Thị Hồng Lĩnh sẽ tiếp quản vai trò trọng yếu, kết nối tầm nhìn lẫn tiềm lực giữa FPT và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC).
FPT đã và đang phát huy sức mạnh nội lực từ việc phát huy tinh thần tuân thủ kỷ luật và quản trị vận hành xuất sắc dựa trên dữ liệu. Nhờ hệ thống kết nối đồng bộ, khâu chăm sóc khách hàng đã được tự động hóa, cá nhân hóa, tối ưu nguồn lực. Hồ dữ liệu FPT (FPT Data Lake), khởi động từ 2020, đã giúp Ban Lãnh đạo quản trị thông suốt thông tin kinh doanh, tài chính theo thời gian thực, ra quyết định nhanh chóng, chính xác bắt kịp diễn biến, nhu cầu thị trường.
Với 43 chương trình chuyển đổi số nội bộ, FPT trở thành doanh nghiệp chỉ huy dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, tiến tới văn phòng không giấy tờ/tiền mặt và dịch vụ tự phục vụ. Hiệu quả thấy rõ khi năm qua FPT tiết kiệm 98 tỷ đồng chi phí hoạt động và gia tăng 141 tỷ đồng doanh thu. Cùng với đó, nguồn nhân lực tràn đầy nhiệt huyết và sức trẻ, với chất công nghệ đậm nét và tinh thần kỷ luật thép đã phát huy thực lực trong thời điểm thách thức nhất.
Cũng tại Đại hội, các cổ đông đã nhất trí thông qua toàn bộ các nội dung biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao.