AI mang lại ba lợi ích lớn giúp ngành tài chính ngân hàng đột phá

Chia sẻ tại tọa đàm chủ đề "Xu hướng ứng dụng AI trong ngành tài chính - ngân hàng" vừa diễn ra sáng 28/8 tại Hà Nội, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, AI mang lại ba lợi ích lớn mà khách hàng có thể được tận hưởng trong dịch vụ ngân hàng tài chính.

28/08/2020

Chia sẻ tại tọa đàm chủ đề "Xu hướng ứng dụng AI trong ngành tài chính - ngân hàng" vừa diễn ra sáng 28/8 tại Hà Nội, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, đại dịch Covid-19 là sự thúc đẩy lớn, khiến cho nền kinh tế số đi nhanh và xa hơn. Trước đây, thứ ngăn trở nhiều nhất cho sự chuyển dịch sang các ứng dụng số chính là tâm lý, sức ỳ của người dân, nhưng Covid-19, bằng một cách tiêu cực, đã buộc mọi người dân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế phải đi theo con đường số. Trong bối cảnh đó, ngành tài chính ngân hàng, với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chắc chắn sẽ có những thay đổi nhảy vọt, đặc biệt dựa trên ứng dụng các công nghệ mới như AI, Big Data.

Ông Việt chia sẻ, AI mang lại ba lợi ích lớn nhất mà khách hàng có thể được tận hưởng trong dịch vụ ngân hàng tài chính. Thứ nhất, AI giúp tự động hóa các quy trình, tối ưu vận hành, giúp các ngân hàng vận hành xuất sắc hơn, giảm chi phí hơn. 

Thứ hai, AI tăng cường trải nghiệm khách hàng. Đến với nhiều ngân hàng bây giờ, việc chờ đợi để được tiếp nhận các cuộc gọi giải đáp thắc mắc hoặc chờ tới lượt xử lý giao dịch tại quầy là một điểm trừ lớn so với các công ty fintech. 

Thứ ba, AI đem lại năng lực mới cho ngành ngân hàng. Trước đây, nhân viên ngân hàng ko thể tập trung vào hàng trăm nghìn khách hàng cùng lúc, nhưng với AI, việc đó xảy ra được. Nhờ đó, năng suất lao động của con người cao hơn, một người có thể làm được 10 việc thay vì chỉ một việc.

"Từ phía FPT, chúng tôi tập trung khuếch đại tất cả các lợi ích ấy cho ngân hàng bằng các sản phẩm, giải pháp ứng dụng AI, RPA (tự động hóa bằng robot phần mềm)... gián tiếp đem lại nhiều tiện ích nhất cho người dùng cuối".

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại sự kiện

Đồng quan điểm với ông Việt, Bà Trần Thu Hương - Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết: “Với ngân hàng, việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng AI và Big data vào sản phẩm dịch vụ của ngân hàng gần như thay đổi cục diện chiến lược phát triển sản phẩm và trải nghiệm người dùng. Chúng ta cứ đầu tư vào công nghệ, chất xám, chiều sâu phân tích và hiểu hơn về khách hàng. Sự hiểu về khách hàng càng nhiều thì sự thành công của sản phẩm càng lớn.”

Ông Việt cho biết thêm, so với tiềm năng thì việc ứng dụng AI hiện tại thậm chí còn chưa bước được một bước đầu tiên vào thế giới vận hành của tương lai, nơi mà con người và AI thực sự làm việc cùng nhau. "Tương lai còn rộng lớn, cơ hội còn nhiều, để AI đi vào lõi vận hành ngân hàng còn là 1 chặng đường dài!"

Về cơ bản, từ kinh nghiệm triển khai sản phẩm AI cho các ngân hàng, định chế tài chính hàng đầu trong và ngoài nước của FPT, chỉ cần động lực của người làm - ngân hàng và người hưởng thụ - khách hàng - đủ lớn thì việc triển khai sẽ diễn ra rất nhanh. 

Tuy nhiên, thách thức không phải là không có. Đa phần ngân hàng đều yêu cầu dữ liệu được bảo vệ 1 cách tối đa. Trong khi doanh nghiệp công nghệ muốn cung cấp dịch vụ tốt nhất thì phải đảm bảo triển khai "từ đầu đến cuối", từ khâu xây dựng, vận hành đến quản trị hệ thống, do đó xây dựng ứng dụng "on cloud" - trên nền tảng điện toán đám mây - sẽ giúp triển khai thuận lợi và giảm chi phí cho ngân hàng. Tuy nhiên, do yêu cầu bảo mật, không phải ngân hàng nào cũng chấp nhận phương án này.

Bên cạnh đó, ông Việt cũng đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước có chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng tài chính một cách rõ ràng và toàn diện hơn. Ngoài ra, việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn cụ thể, với sự hợp tác của nhà nước, doanh nghiệp và các nhà khoa học, sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ dễ dàng hơn trong việc phát triển các công nghệ mới, chuyên biệt và phù hợp với định hướng của ngành ngân hàng.