Chuyên gia FPT: "Doanh nghiệp SME dễ ứng dụng AI hơn nhờ mô hình thuê dịch vụ"
Hiện FPT đã phát triển mô hình cho thuê dịch vụ, tức là doanh nghiệp cần bao nhiêu, dùng bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu (mô hình Software-as-a-Service). Đây là cách giúp doanh nghiệp SME dễ dàng ứng dụng AI hơn.
•
18/08/2020
Sáng nay (18/8), trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo AI4VN 2020, toạ đàm “Ứng dụng AI phục hồi hoạt động doanh nghiệp” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Với sự điều phối của Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT - TS. Trần Thế Trung, đại diện các diễn giả là các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ hàng đầu đã chia sẻ về những xu hướng nghiên cứu và ứng dụng AI trên thế giới cũng như đặt để vào các bài toán cấp thiết hiện thời của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngân hàng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Mở đầu phần thảo luận, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, doanh nghiệp, người dân gặp khó thì ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng, đơn cử như nợ xấu. Ngoài tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp, hoạt động hàng ngày của ngân hàng cũng chịu hưởng, như việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng bị gián đoạn, khiến lượng giao dịch trầm lắng.
Trong "cái khó ló cái khôn", Ngân hàng đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ,trong đó có AI, nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch liền mạch. Ông Lân cho biết, hiện VietinBank đang hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot AI để giao tiếp với khách hàng, chẳng hạn khách hàng muốn gọi đến tổng đài và yêu cầu khóa thẻ. Chatbot AI có thể tự động nhận dạng đúng định danh khách hàng, từ đó hỗ trợ khách hàng thực hiện yêu cầu mà không cần nhân viên chăm sóc, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng năng suất cho nhân viên ngân hàng.
Phiên thảo luận có sự tham gia của ông Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (điều phối); ông Nguyễn Xuân Phong, Chuyên gia Nghiên cứu AI (Canada); ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank; ông Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng giám đốc Công ty VVN AI; ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup).
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT Trần Thế Trung, AI là một trong những công nghệ lõi quan trọng nhất giúp vận hành doanh nghiệp, tuy nhiên với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), việc tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng AI không đơn giản. Về điều này, từ kinh nghiệm của FPT, ông Trung cho biết hiện FPT đã phát triển mô hình cho thuê dịch vụ, tức là doanh nghiệp cần bao nhiêu, dùng bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu (mô hình Software-as-a-Service). Đây là cách giúp doanh nghiệp SME dễ dàng ứng dụng AI hơn.
Ông Trung cho biết thêm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng AI tốt hơn nhằm nâng cao hiệu suất vận hành, tối ưu năng suất, tháng 7 vừa qua FPT cũng đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến thu hút hàng trăm doanh nghiệp. Việc kết liên minh giữa các doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng nhau là một trong những giải pháp hiệu quả hiện nay để giúp doanh nghiệp tìm lối thoát, sống sót qua cơn bão Covid-19.
Một đại biểu đến từ viện ứng dụng công nghệ AI đặt câu hỏi cho các diễn giả: "Trên thế giới có các công ty cung cấp dữ liệu cho hệ thống AI, hiện ở Việt Nam có đơn vị nào chuyên về dữ liệu hay không, độ tin cậy ra sao?".
Theo ông Trung, dữ liệu Việt Nam vẫn là bức tranh màu xám vì hệ thống luật pháp còn chưa rõ ràng, lượng dữ liệu bán cấu trúc đến cấu trúc còn ít hoặc chưa mở, doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận. Còn đại diện VinGroup cho rằng vấn đề nằm ở mặt cung cầu, dữ liệu ít người mua, người làm thì chưa có.
Ông Trung cho biết, DN Việt còn gặp khó khi tiếp cận dữ liệu
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Xuân Phong - Chuyên gia nghiên cứu AI - Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila - đưa ra giải pháp, trong trường hợp doanh nghiệp không mua được trọn bộ dữ liệu cấu trúc sẵn, có thể thuê dịch vụ "dán nhãn dữ liệu" - một đơn vị đủ khả năng đánh dấu, dán nhãn, cấu trúc hóa dữ liệu thô sẵn có. Tại Việt Nam, một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ dán nhãn dữ liệu để dạy học cho hệ thống, ví dụ như FPT. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu là cần thiết để Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn trong các ngành.