Đại diện FPT chia sẻ về cơ hội ngành bán dẫn Việt Nam

15/01/2025

Ông Trần Phú Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của FPT Semiconductor, Tập đoàn FPT đã tham dự hội thảo "Công nghiệp bán dẫn Việt Nam - Động lực và nền tảng phát triển đất nước” diễn ra vào ngày 15/1 tại Hà Nội. 

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

17012025 ban dan1

Ông Trần Phú Sơn, Tập đoàn FPT (bên phải) phát biểu tại sự kiện.

Tại phiên hội thảo, ông Trần Phú Sơn, Tập đoàn FPT đã chia sẻ những nội dung về phát triển ngành điện tử thế hệ mới. Theo ông Trần Phú Sơn,  dự báo kim ngạch xuất khẩu đạt 160 tỷ USD vào năm 2025, tạo nền tảng cho sự bứt phá của công nghiệp bán dẫn. Tiềm năng ngành bán dẫn Việt Nam: Thu hút đầu tư FDI, hạ tầng công nghệ cao, và nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ về thiết bị thông minh, EV, IoT.

Trong bối cảnh đó, hướng đi mảng bán dẫn của Tập đoàn FPT là: Phát triển dòng chip nguồn (Power IC, Power Management IC) đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mang lại giá trị cho khách hàng và thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam.

FPT cũng mở rộng dịch vụ outsourcing thiết kế và sản xuất bán dẫn, tận dụng mạng lưới khách hàng quốc tế của FPT để cung cấp dịch vụ gia công thiết kế chip.
Song song với đó, Tập đoàn đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn bị cho sự phát triển dài hạn của ngành bán dẫn.

Để phát triển dài hạn, FPT Đẩy mạnh R&D thiết bị điện tử thế hệ bằng cách: Tập trung tích hợp AI và bán dẫn, phát triển thiết bị IoT và AI on Edge dựa trên nền tảng bán dẫn tiên tiến.

Thảo luận cùng đại diện FPT Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm về hành trình làm chủ và phát triển Chip 5G Make in Viet Nam (Viettel), phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn, đầu tư và phát triển hạ tầng công nghệ số trong kỷ nguyên mới, phát triển ứng dụng AI, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao…

17012025 ban dan
Đại diện FPT chia sẻ về hướng tiếp cận của FPT trong mảng bán dẫn.

Các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn, các định hướng và hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, giải pháp cho phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành bán dẫn, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Những chia sẻ và thảo luận tại hội thảo chuyên đề đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong việc định hình nền kinh tế số và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Đảng và Nhà nước đã có các định hướng và hành động tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thông qua việc nghiên cứu xây dựng, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù, vượt trội về đất đai, thuế, tài chính… để thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn ưu tiên bố trí nguồn lực để thúc đẩy, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học; hình thành các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu thử nghiệm bán dẫn trọng điểm quốc gia.

Các cơ chế chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp bán dẫn này đã cụ thể hóa và được đưa vào các một số luật được Quốc hội ban hành trong thời gian qua.

Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp vận hành dựa trên một chuỗi cung ứng phân bổ trên toàn cầu, với các công đoạn thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm thử trải dài qua nhiều quốc gia, có sự liên kết chặt chẽ. Đây là ngành mà Việt Nam định hướng trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Theo đó, chúng ta ưu tiên và có chính sách ưu đãi đặc biệt, cơ chế thủ tục về đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới vào Việt Nam với phương châm không chỉ là một thị trường tiêu thụ mà còn là một đối tác đáng tin cậy và là nơi lý tưởng để phát triển và mở rộng nghiên cứu, sản xuất.

Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cũng nhấn mạnh, với định hướng và vai trò của ngành bán dẫn, Việt Nam đã chính thức ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 - đặt nền móng, định hướng, tầm nhìn cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Chiến lược đã đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C=SET+1 (Chip, Chuyên dụng, Điện tử, Nhân tài, + Việt Nam) thể hiện một cách tiếp cận chiến lược và toàn diện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp điện tử vững mạnh, tập trung vào các sản phẩm chuyên dụng có giá trị gia tăng cao và đặc biệt là khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.