FPT đồng hành ngành tài chính ngân hàng vượt khó sau dịch

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT tham dự Diễn đàn Dịch vụ tài chính & hội thảo Future Banking do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức.

03/06/2020

Tại Diễn đàn Dịch vụ tài chính & hội thảo Future Banking do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) tổ chức, Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT khẳng định: "FPT phát triển các sáng tạo công nghệ mang lại ba hiệu quả cho doanh nghiệp, tổ chức tài chính - "mạch máu của nền kinh tế": Tăng cường năng suất lao động trong ngày - Tự động hóa ở từng khâu nhỏ - Đem đến cải tiến, đổi mới.

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cung cấp dịch vụ tài chính ở quy mô toàn cầu. Câu hỏi mà các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán cũng như các ngân hàng tại Việt Nam quan tâm nhất là họ cần làm gì để nhanh chóng thoát khỏi khó khăn, ổn định phát triển trong trạng thái bình thưởng mới. 

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, đã có bài tham luận chủ đề "Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động ngành tài chính, ngân hàng".

Theo đó, cốt lõi trụ cột của nền kinh tế số là digital financial services (dịch vụ tài chính số) với ngân hàng số, đầu tư số, bảo hiểm số... Với hơn 25 năm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng, FPT đã và đang phát triển nhiều giải pháp khác nhau phục cho ngành tài chính ngân hàng, trong đó lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ, sớm nhất và cũng phù hợp với lĩnh vực này nhất chính là AI.

Nhờ AI, cụ thể là các sản phẩm ứng dụng AI như Chatbot, Trợ lý ảo Tổng đài (Voicebot), doanh nghiệp tài chính ngân hàng có thể tự động hóa các tác vụ lặp, giúp giảm đến 60% khối lượng công việc, xử lý được đến 73% tương tác của khách hàng. Nguồn nhân lực được tập trung cho các công việc mang lại giá trị cao hơn, đồng thời giúp khách hàng có được trải nghiệm liền mạch, không mất thời gian chờ đợi. Đây đều là những lợi ích thiết thực đối với ngành tài chính ngân hàng để nắm bắt cơ hội, phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên ông cũng nêu rõ, Chatbot không phải công cụ vạn năng mà chỉ xử lý từng tác vụ riêng biệt, do đó, cần chú ý: Thứ nhất, chọn bài toán, thiết kế. Kế đến, trải nghiệm người dùng rất quan trọng, cần làm sao để người nói chuyện với máy và máy trả lời để định hướng hướng bước tiếp theo của mỗi người dùng. Tiếp đó, công việc thật sự khi golive, lúc này máy mới học, thích ứng với thực tế. Do vậy, doanh nghiệp cần chọn giải pháp chính xác. 

Ông chia sẻ: "FPT tin tưởng nền tảng của mình mình đáp ứng tốt và thành công hơn so với các chatbot khác trong việc đem lại trải nghiệm một cách toàn diện cho khách hàng!"

Do cú hích mang tên Covid-19,  các doanh nghiệp phải cân nhắc đầu tư cho hiệu quả. FPT cũng đã thay đổi mô hình dự án, để chỉ với ít hơn 100.000 USD và thời gian triển khai dưới 3 tháng, doanh nghiệp đã có thể bắt đầu sử dụng một cách hiệu quả AI vào các hoạt động. Ông Việt cũng dẫn chứng thêm, một khách hàng trong mảng cho vay tài chính đã lấy lại toàn bộ tiền đầu tư ban đầu cho giải pháp AI chỉ sau 6 tháng, thậm chí còn tạo ra thêm đến 70% giá trị lợi ích trong 6 tháng tiếp theo. 

Với kinh nghiệm đồng hành cùng nhiều khách hàng lớn, cũng như bộ giải pháp chuyển đổi số, FPT sẵn sàng đồng hành cùng ngành tài chính ngân hàng để phục hồi, bứt phá sau đại dịch.