TOP 50 CSA vinh danh FPT ở hạng mục Hoạt động CSR nổi bật và Quản trị doanh nghiệp xuất sắc

03/08/2024

Tại lễ công bố TOP50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam 2024 (TOP 50 CSA) do Tạp chí Nhịp cầu Đầu Tư tổ chức, FPT vinh dự được vinh danh ở hai hạng mục Hoạt động CSR nổi bật và Quản trị doanh nghiệp xuất sắc. Đây là năm thứ 3 liên tiếp FPT vinh dự có mặt trong TOP50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam.

Đại diện FPT, bà Mai Thị Lan Anh Giám đốc Truyền thông nhận giải thưởng TOP50 Doanh nghiệp phát triển bền vữing

Đại diện FPT, bà Mai Thị Lan Anh Giám đốc Truyền thông nhận giải thưởng TOP50 Doanh nghiệp phát triển bền vững.

Giải thưởng này một lần nữa minh chứng cho sự nỗ lực của FPT trong triển khai các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) và tuân thủ các quy định quản trị công ty cũng như áp dụng các chuẩn quản trị quốc tế tiên tiến trong hoạt động quản trị điều hành.

Theo Ban tổ chức, sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, sự thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng và khách hàng, thay đổi về chính sách công đã khiến các tiêu chuẩn về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) trở thành tất yếu đối với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải cải thiện và hướng tới tuân thủ các vấn đề liên quan của Môi trường, Xã hội và Quản trị. Từ đó, ESG đã trở thành trụ cột giúp doanh nghiệp tăng trưởng ở nấc thang cao nhất là Bền vững.

Với FPT, ESG không chỉ được xem là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển mà còn tạo thêm sức mạnh để Tập đoàn phát huy giá trị cốt lõi, đảm bảo lợi ích cao nhất cho các bên liên quan, tiếp tục thực hiện sứ mệnh Tập đoàn toàn cầu trường tồn và hạnh phúc. 

Quản trị xuất sắc, đảm bảo lợi ích cao nhất cho các bên liên quan

Trong nhiều năm qua, FPT luôn tuân thủ tất cả các quy định trọng yếu của pháp luật có liên quan đến quản trị công ty nói chung cũng như các quy định quản trị đối với công ty niêm yết. Đồng thời, để nâng cao tính tuân thủ thực hiện quy định pháp luật về quản trị công ty, Tập đoàn cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị theo chuẩn quốc tế, thông qua việc áp dụng và ngày càng bám sát các tiêu chí trong Nguyên tắc Quản trị quốc tế của OECD, Thẻ điểm Quản trị công ty khu vực ASEAN và Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp soạn thảo.

Các quy trình quản trị chuẩn mực là công cụ quan trọng để Tập đoàn đảm bảo tính tuân thủ, hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của công ty cũng như đảm bảo lợi ích cao nhất cho các bên liên quan.

Năm 2023, FPT tiếp tục đẩy mạnh triển khai phương pháp quản trị bằng mục tiêu và kết quả then chốt (OKRs) trong toàn Tập đoàn giúp thiết lập mục tiêu thống nhất của từng cá nhân với mục tiêu của phòng ban/CTTV/Tập đoàn đảm bảo đi theo đúng chiến lược, định hướng chung, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động. Bên cạnh đó, hoạt động của Tập đoàn đều áp dụng và đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế uy tín về quản lý chất lượng, an toàn thông tin, quản lý môi trường.... 

Đồng thời, dựa trên chính thế mạnh công nghệ của mình, FPT luôn chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số nội bộ tăng hiệu quả quản trị, vận hành tối ưu năng suất, hiệu quả hoạt động thông qua việc nhân rộng tối đa các dự án chuyển đổi số thành công trên quy mô toàn Tập đoàn; ứng dụng công nghệ tối ưu hóa các hoạt động quản lý chuyên môn theo các ngành dọc Tài chính, Nhân sự, Công nghệ, Chất lượng, Marketing & Truyền thông, Mua sắm… Năm 2023, 42 dự án chuyển đổi số nội bộ được triển khai giúp tiết kiệm 617 tỷ đồng chi phí. Mới đây nhất, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng vào các hoạt động mua sắm của Tập đoàn FPT góp phần minh bạch hóa toàn bộ hoạt động mua sắm, tối ưu hiệu quả xử lý công việc với tính năng giám sát, cảnh báo gian lận.

Năm 2023, FPT đứng trong danh sách Top 10 Doanh nghiệp quản trị tốt nhất năm 2023 nhóm vốn hóa lớn tại Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp đạt giải trong cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2023 do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Báo Đầu tư tổ chức.

Song hành vì sự phát triển của cộng đồng

Trong suốt 35 năm, FPT luôn kiên trì thực hiện các hoạt động phát triển bền vững với định hướng con người là yếu tố then chốt và đặc biệt chú trọng hỗ trợ cộng đồng dựa trên chính thế mạnh công nghệ. Bởi vậy, FPT luôn đầu tư phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ giáo dục và thế hệ trẻ.

Tập đoàn tin rằng lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia là một trong những yếu tố giúp xây dựng xã hội. Mỗi năm, các CBNV của FPT đều cùng góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững thông qua những hành động thiết thực, từ đồng hành trực tiếp cùng Tập đoàn trong các hoạt động thiện nguyện tới tham gia đóng góp tài chính, hướng đến mục tiêu song hành vì sự phát triển cộng đồng, vì một quốc gia hạnh phúc.

Tính tới nay, Tập đoàn đã dành hơn 1.000 tỷ đồng cho các hoạt động trách nhiệm xã hội, tập trung chủ yếu vào chương trình hỗ trợ giáo dục như tài trợ học bổng và khuyến khích phát triển các tài năng trẻ, học sinh giỏi vượt khó; xây cầu, sửa trường, tặng đồ dùng học tập và sinh hoạt cho thầy và trò các trường ở những nơi khó khăn…

Một số hoạt động trách nhiệm xã hội nổi bật đã được FPT triển khai nhất quán trong nhiều năm qua như: Tạo cơ hội học tập và phát triển cho tài năng trẻ thông qua các chương trình học bổng; Cải tạo môi trường học tập, rút ngắn khoảng cách về điều kiện học tập vùng khó khăn thông qua các chương trình Ánh sáng học đường, Chắp cánh ước mơ, Thư viện điện tử; Hiến máu nhân đạo; Quyên góp một ngày lương cho quỹ người FPT vì cộng đồng…

Chương trình TOP 50 CSA do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức, bình chọn cho cả 3 khối doanh nghiệp gồm doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp chưa niêm yết. Hội đồng thẩm định của chương trình gồm các lãnh đạo đến từ Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, Ngân hàng HSBC, PwC Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Schneider Electric Việt Nam, Talentnet, Mekong Capital.

Chương trình bình chọn do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức với Hội đồng Thẩm định đến từ Ngân hàng HSBC, Công ty PwC Việt Nam, Công ty Schneider Electric Việt Nam, Công ty Talentnet, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital.

Chương trình bình chọn này nhằm thiết lập dữ liệu về phát triển bền vững, giúp Chính phủ, các tổ chức xã hội liên quan đưa ra các chính sách bám sát thực tế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, qua đó, đi cùng một Việt Nam thực hiện các cam kết về Mục tiêu tại Hội nghị COP26 về việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050; khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng sạch, hạ tầng cơ sở bền vững, quản lý nguồn nước thông minh và tài nguyên trong hệ sinh thái.

Với 14 hạng mục bình chọn dựa trên 3 trụ cột ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), Chương trình ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp, trong cả 3 khối FDI, niêm yết và chưa niêm yết, đã góp phần vào việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và công bằng xã hội.