FPT IS bắt tay Moody’s Analytics giúp quản trị rủi ro cho các ngân hàng Việt Nam
Hà Nội ngày 24/5, tại buổi hội thảo chuyên sâu về các tiêu chuẩn vốn và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, Moody’s Analytics ông bố hợp tác chiến lược với công ty FPT IS. Theo đó, FPT IS sẽ là nhà phân phối, hỗ trợ triển khai các giải pháp tuân thủ quy định và cho vay vốn của Moody’s Analytics cho các ngân hàng tại Việt Nam.
•
25/05/2017
Hà Nội ngày 24/5, tại buổi hội thảo chuyên sâu về các tiêu chuẩn vốn và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, Moody’s Analytics ông bố hợp tác chiến lược với công ty FPT IS. Theo đó, FPT IS sẽ là nhà phân phối, hỗ trợ triển khai các giải pháp tuân thủ quy định và cho vay vốn của Moody’s Analytics cho các ngân hàng tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Moody’s Analytics đã đưa ra những phân tích chuyên sâu về các thách thức mà ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình triển khai Hiệp ước Basel II (do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đưa ra), những bài học từ các thị trường trên toàn cầu cũng như giải pháp mà Moody’s Analytics sẽ phối hợp với FPT IS để cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam.
Hiện nay, những quy định về vốn và quản lý rủi ro mà Hiệp ước Basel II đưa ra nhằm đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động vững mạnh được xem là một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro hiện đại và đang được áp dụng tại hầu hết ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới. Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với Ngân hàng và các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, đồng thời đặt mục tiêu đưa việc quản trị rủi ro cũng như an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngày 1/1/2020 thông tư 41/2016/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực. Thời gian để bắt đầu triển khai rất gấp rút, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều Ngân hàng còn gặp khó khăn trong việc chuẩn bị thực hiện thông tư này.
Theo các chuyên gia Moody’s Analytics, việc triển khai Basel II không chỉ là việc thực hiện các danh mục công việc theo quy định của Ngân hàng Nhà nước mà cần phải được đặt trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô. Kết quả triển khai Basel II cũng không chỉ phục vụ cho việc báo cáo mà còn giúp các ngân hàng không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng kinh doanh.
Nền móng cơ bản cho việc triển khai Basel 2 chính là chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, làm giàu và làm sạch dữ liệu đã được kiểm toán, từ đó có thể khai thác chính xác và tính toán vốn theo đúng các tiêu chuẩn mà Basel 2 quy định. Điều này cũng đã được quy định rõ tại Điều 4 của Thông tư 41. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại đang ứng dụng các giải pháp khác nhau, dữ liệu được quản lý trên nhiều ứng dụng khác nhau, nguồn dữ liệu chưa được chuẩn hóa là vấn đề chung hiện nay.
Việc FPT IS tiên phong đưa các giải pháp của Moody’s Analytics vào thị trường Việt Nam sẽ giúp các ngân hàng xây dựng hệ thống quản lý thông tin vững mạnh khi triển khai theo chuẩn về vốn và quản lý rủi ro mà Hiệp ước Basel II đưa ra.
Hội thảo "Tuân thủ các tiêu chuẩn về vốn và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh" do FPT IS phối hợp với Moody's Analytic tổ chức thu hút được sự quan tâm của các ngân hàng
Một trong những lợi ích chính mà giải pháp của Moody’s Analytic mang lại cho khách hàng là cung cấp một nền tảng kiến trúc mở, cho phép kết nối với các hệ thống nguồn dữ liệu sẵn có từ đó trích xuất và nạp dữ liệu nhanh chóng. Giải pháp của Moody’s Analytics còn tập trung và lưu trữ tất cả các dữ liệu cần thiết về vốn (đáp ứng tiêu chuẩn Basel II), dữ liệu về rủi ro thanh khoản, và các dữ liệu rủi ro khác của ngân hàng trong một nền tảng thống nhất. Hiện giải pháp này đã được sử dụng tại hơn 120 tổ chức tài chính toàn cầu để quản lý rủi ro theo chuẩn được quy định trong Hiệp ước Basel.
Ông Steve Tulenko, Giám đốc điều hành Giải pháp quản trị rủi ro doanh nghiệp của Moody’s Analytics đánh giá, việc hợp tác với một công ty có năng lực công nghệ và kinh nghiệm hơn 20 năm trong việc triển khai các hệ thống CNTT cho ngành ngân hàng sẽ không chỉ bổ sung, hoàn thiện giải pháp của Moody’s Analytics mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các khách hàng Việt Nam.
Ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cũng tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác này. Ông Triều cho biết: “Một trong những mục tiêu của FPT IS là cung cấp các giải pháp quản lý rủi ro chuyên sâu cho thị trường năng động và phát triển nhanh như Việt Nam. Việc hợp tác với công ty hàng đầu trên thế giới như Moody’s Analytics sẽ giúp FPT IS đem đến thị trường một giải pháp chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cao của các ngân hàng Việt Nam. Với kinh nghiệm của cả 2 công ty, và sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh, chúng tôi tin tưởng sâu sắc sẽ triển khai thành công giải pháp cho các ngân hàng ở Việt Nam”.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia FPT IS đã đưa ra đề xuất về lộ trình các bước mà ngân hàng có thể áp dụng, danh sách các dự án công nghệ thông tin cần triển khai. FPT IS đưa ra giải pháp hợp tác 3 bên bao gồm: Ngân hàng là trung tâm, đơn vị tư vấn bên ngoài và đơn vị triển khai về công nghệ. Sự hợp tác này cần triển khai ngay từ bước đầu tiên khi ngân hàng bắt đầu cho việc triển khai Basel II để tránh khỏi sự lúng túng cũng như tối ưu hóa chi phí đầu tư.