FPT tham gia Liên minh chuyển đổi số Việt Nam
Liên minh chuyển đổi số Việt Nam được thành lập với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
•
17/07/2019
Tại sự kiện Vietnam ICT Summit 2019 tổ chức vào tháng 8 tới đây, Liên minh chuyển đổi số Việt Nam - tập hợp các công ty CNTT-TT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu - sẽ chính thức ra mắt.
Hiện tại, FPT cùng một số doanh nghiệp lớn như tập đoàn Viettel, VNPT, CMC, VNG, Hài Hoà, MobiFone, VSII, VINASA, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xác nhận tham gia Liên minh.
Liên minh được thành lập với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đang dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số - Digital Vietnam. Mục đích là tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo hiện vẫn trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện để hoàn thiện hơn.
Theo Dự thảo 1.05 của Đề án, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2020 - 2022) là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2 (2023 - 2025) sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Và giai đoạn 3 (2026 - 2030) là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới, Top 4 ASEAN. Chỉ tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế, theo Dự thảo, là phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới và đưa công nghệ 4.0 phổ cập ở Việt Nam.
Cùng với đó, chỉ tiêu đặt ra cho chuyển đổi số doanh nghiệp đến năm 2025 là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 25% GDP; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dịch lên nền tảng số; phát triển 5 doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Đồng thời, với chuyển đổi số Chính phủ, mục tiêu đặt ra là đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; 30% thủ tục hành chính được cắt giảm nhờ dữ liệu; 20% dịch vụ mới được phát triển dựa trên dữ liệu (data driven).
Theo các nhà quản lý và chuyên gia trong ngành, để có được một Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia bài bản cũng như những mục tiêu đặt ra kể trên, rất cần sự đồng thuận, nỗ lực chung tay của tất cả bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp và toàn xã hội. Mà trong đó, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, những người gánh sứ mệnh lớn lao để tiên phong chuyển đổi cũng như chia sẻ, nhân rộng những mô hình ưu việt đến các doanh nghiệp khác.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, FPT đã công bố chiến lược giai đoạn 2019 – 2022 với hướng đi chiến lược là chuyển đổi số. Theo đó, FPT sẽ chuyển dịch để trở thành nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện.