Gần 50 tỉnh thành có học sinh tham dự vòng chung kết Violympic 2017 - 2018

Ngày 28/03/2018 - Trung tâm Violympic (thuộc Tập đoàn FPT) công bố tổ chức Vòng chung kết của cuộc thi Giải Toán, Vật lí qua Internet – Violympic năm học 2017 – 2018 qua hình thức thi online vào ngày 15/4/2018 với nhiều thay đổi, cải tiến toàn diện về nội dung và công nghệ.

28/03/2018

Ngày 28/03/2018 - Trung tâm Violympic (thuộc Tập đoàn FPT) công bố tổ chức Vòng chung kết của cuộc thi Giải Toán, Vật lí qua Internet – Violympic năm học 2017 – 2018 qua hình thức thi online vào ngày 15/4/2018 với nhiều thay đổi, cải tiến toàn diện về nội dung và công nghệ. Cuộc thi năm nay thu hút 63/63 tỉnh thành tham dự, trong đó gần 15.000 học sinh đến từ gần 50 tỉnh thành trên cả nước có học sinh đăng ký tham gia Vòng chung kết toàn quốc. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành sau một thời gian không có học sinh tham gia vòng thi cấp quốc gia, năm nay đã chính thức quay trở lại như: Nam Định, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Vòng chung kết Violympic toàn quốc dành cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đối với môn Toán Tiếng Việt ; lớp 4, lớp 8 đối với môn Toán Tiếng Anh và lớp 9, lớp 12 đối với môn Vật lí.

Một trong những điểm khác biệt của vòng chung kết năm nay so với mọi năm là hình thức thi leo dốc. Cụ thể, với tổng thời gian làm bài 60 phút, mỗi thí sinh sẽ trải qua 04 bài thi. Trong đó 03 bài thi đầu giống như các vòng tự luyện. Ở bài thi thứ tư - bài thi leo dốc, các câu hỏi sẽ xuất hiện với số lượng không giới hạn, học sinh trả lời đúng nhận thêm 10 điểm/câu. Nếu học sinh trả lời sai 5 câu hỏi trong phần thi này thì vòng thi sẽ tự động kết thúc. Do đó, kết quả thi sẽ đánh giá và phân loại học sinh một cách chính xác.

Về giải thưởng, vòng chung kết Violympic toàn quốc sẽ trao tổng trị giá giải thưởng hơn 200 triệu đồng, bao gồm 07 giải nhất, mỗi giải 01 laptop trị giá 10.000.000 VNĐ, 14 giải nhì, mỗi giải 01 máy tính bảng trị giá 5.000.000 VNĐ, 21 giải ba, mỗi giải 01 kim từ điển trị giá 2.000.000 VNĐ, 70 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 500.000 VNĐ

Cuộc thi Giải Toán, Vật lí trên Internet – Violympic năm học 2017 – 2018 cũng là năm đánh dấu nhiều thay đổi toàn diện về nội dung, hình thức; đặc biệt là ứng dụng cải tiến công nghệ 4.0 cũng đã được áp dụng giúp cá nhân hóa việc học tập của học sinh.

Cụ thể, mỗi thí sinh tham gia Violympic sẽ được cung cấp những dạng bài phù hợp nhất với năng lực và kiến thức thực tế nhằm giúp duy trì hứng thú trong học tập; hỗ trợ luyện tập và phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu; từng bước chinh phục các bài tập theo các cấp độ khó khác nhau.

Số vòng thi của Violympic năm nay cũng đã được giảm bớt nhằm giảm áp lực thi cho học sinh. Môn Toán tiếng Việt giảm còn 13 vòng thi, môn Toán tiếng Anh và Vật lý còn 10 vòng. Violympic sẽ không còn vòng thi các cấp mà chỉ gồm các vòng tự luyện và các vòng thi theo mã thi.

Những xu hướng công nghệ hàng đầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã được áp dụng cũng giúp website Violympic thân thiện hơn, dễ sử dụng, tốc độ xử lý tương tác nhanh hơn; tăng cường bảo mật cho tài khoản.

Từ Violympic năm học 2017 – 2018, FPT đã ký kết hợp tác chiến lược với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ GD&ĐT để cùng hợp tác nghiên cứu, điều chỉnh nội dung bài thi Violympic phù hợp nhằm khuyến khích sự tham gia của học sinh; chú trọng bổ sung các bài toán ứng dụng, các bài toán phát triển tư duy vào đề thi, khối lớp cũng như triển khai các sản phẩm giáo dục trực tuyến khác trong tương lai.

Trong thời gian tới, FPT sẽ hoàn thiện phiên bản Violympic trên điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh khác; ứng dụng chatbot – robot giải đáp thắc mắc đối với các câu hỏi thường gặp. BTC sẽ đưa các công nghệ chuyên sâu như thực tế ảo hay tương tác thực tế góp phần tạo ra hình thức thi trực quan sinh động, truyền tải nội dung hiện đại, thú vị hơn cho học sinh…Học sinh sẽ dễ dàng tra cứu bảng xếp hạng và lịch sử thi của mình trên hệ thống cũng như tự khôi phục được tài khoản bằng email hoặc số điện thoại.

Đây là năm thứ 10 cuộc thi Violympic được tổ chức. FPT kỳ vọng tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh cho học sinh, rút ngắn khoảng cách vùng miền, đồng thời góp phần tạo dựng một nền tảng kiến thức và kỹ năng cho học sinh Việt Nam sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Những con số nổi bật trong chương trình

  • 15.000 học sinh tham dự vòng chung kết toàn quốc.
  • 24.075 trường và 63/63 tỉnh thành tham gia
  • 29. 241.609 tài khoản đăng ký