Tham gia tư vấn chuyển đổi số, FPT nâng cao giá trị cạnh tranh toàn cầu

Ngày 29/3/2019, tại Hà Nội, Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT năm 2019 đã phê duyệt định hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của FPT với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.
 

29/03/2019

Ngày 29/3/2019 – Hôm nay, tại Hà Nội, Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT năm 2019 đã phê duyệt định hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của FPT với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

FPT tập trung làm tư vấn chuyển đổi số, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, là phương thức quan trọng giúp các doanh nghiêp, tổ chức đạt được những thành công mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo dự báo của IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT. Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số đạt 1.300 tỷ USD, tăng 16,8%, trong khi thị trường dịch vụ CNTT đạt 1.000 tỷ USD và chỉ tăng trưởng 4%.

Với tiềm năng và cơ hội không giới hạn đó, FPT xác định chuyển đổi số sẽ giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu. Do đó, bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ Công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Tầm nhìn của FPT trong 10 năm tới là lọt TOP 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu. Riêng trong giai đoạn 2019 – 2021, FPT đặt mục tiêu:

  1. Nâng cao giá trị và vị thế của công ty bằng việc cung cấp dịch vụ giá trị cao như tư vấn chuyển đổi số và chiến lược chuyển đổi số.
  2.  Tiếp cận các tập đoàn lớn quốc tế để cung cấp dịch vụ chuyển đổi số và các sản phẩm dịch vụ khác của FPT. Có thêm 30 khách hàng lớn trong danh sách Fortune Global 500 mỗi năm.
  3. Luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 15% hàng năm.
  4. Hoàn thiện gói/chuỗi danh mục về giải pháp, sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ số trong 02 năm tới.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh: “FPT đã từng tiên phong mở ra những hướng đi mới cho ngành CNTT của Việt Nam, tiêu biểu như xuất khẩu phần mềm, không chỉ giúp nâng cao vị thế của công ty mà còn xây dựng thanh thế cho Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Trong cuộc cách mạng số, FPT có nhiều lợi thế “lột xác” để vươn cao và xa hơn nữa. Đó là sự hiểu biết về khách hàng, sở hữu các nền tảng công nghệ lõi, có những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số, đặc biệt là với sự tư vấn của ông Phương Trầm, người đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình chuyển đổi số của tập đoàn DuPont, một trong những câu chuyện thành công điển hình về chuyển đổi số trên thế giới. Năng lực tư vấn và triển khai chuyển đổi số của FPT đã được chứng minh qua việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều khách hàng thuộc top Fortune Global 500. Chúng tôi đã sẵn sàng và tự tin chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số, hướng đến tương lai trở thành công ty hàng đầu về tư vấn chuyển đổi số như Accenture, Deloitte…, một lần nữa góp phần đưa tên tuổi Việt Nam vươn lên sánh ngang với các cường quốc công nghệ toàn cầu”.

FPT đặt mục tiêu TOP 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu

Để thực hiện mục tiêu trên, FPT đã xây dựng kế hoạch hành động quyết liệt trên 04 hướng:

  1. Tiếp tục tập trung đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và liên tục nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn chiến lược chuyển đổi số có hiểu biết sâu sắc về các ngành nghề, mô hình kinh doanh cùng kiến thức công nghệ, công cụ triển khai để có thể đem đến giá trị gia tăng và lợi ích đặc thù cho khách hàng ngay từ những bước đầu tiên của hành trình chuyển đổi số.
  2. Chủ động tiên phong nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi quan trọng nhất của chuyển đổi số và các dịch vụ công nghệ số, tiến hành các thử nghiệm thực tiễn và liên tục nâng cao chuyển đổi thành các giải pháp thực tế để đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của thị trường.
  3. Tập trung hoàn thiện giải pháp sản phẩm và dịch vụ toàn diện cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp/tổ chức, khai thác lợi thế cạnh tranh từ việc liên kết sức mạnh tri thức và dịch vụ từ tất cả các đơn vị thành viên và hệ sinh thái công nghệ mà FPT dày công xây dựng và nuôi dưỡng. 
  4. Chuyển dịch FPT thành doanh nghiệp số vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực.

Tăng cường đội ngũ lãnh đạo trẻ, sẵn sàng thế và lực vươn lên trong cách mạng số

Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2019, FPT cũng đã chính thức ra mắt dàn lãnh đạo trẻ bao gồm Tổng Giám đốc, 02 Phó Tổng Giám đốc và 06 Giám đốc nghiệp vụ (gồm Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Chuyển đổi số, Giám đốc CNTT, Giám đốc Truyền thông, Giám đốc Chất lượng và Giám đốc Nhân sự). Trong đó, ông Nguyễn Văn Khoa chính thức đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc FPT từ ngày hôm nay, ngày 29/03/2019. Với sức trẻ, sự xông xáo, năng lực tập hợp lực lượng và sự dày dạn kinh nghiệm trong triển khai thành công nhiều mảng kinh doanh quan trọng của một số công ty thành viên của FPT, ông Nguyễn Văn Khoa sẽ là người truyền cảm hứng, dẫn dắt con thuyền FPT và cùng các thành viên Ban Điều hành giúp Tập đoàn thực hiện những chiến lược đề ra một cách nhanh chóng, quyết liệt.

Đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 15 % và 16%

ĐHĐCĐ thường niên FPT năm 2019 cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng lần lượt là 15% và 16% so với năm 2018, đạt 26.660 tỷ đồng và 4.460 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận khối Công nghệ dự kiến đạt 15.450 tỷ đồng và 1.933 tỷ đồng chiếm gần 60% tổng doanh thu và 43% tổng lợi nhuận của toàn Tập đoàn.
Đại hội cũng đã thông qua các báo cáo của Hội đồng Quản trị (HĐQT); báo cáo của Ban Kiểm soát (BKS); ngân sách hoạt động và thù lao của HĐQT, BKS năm 2019; danh sách công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán Báo cáo Tài chính năm 2019.ĐHĐCĐ FPT năm 2019 đã thông qua tỷ lệ cổ tức cho cổ đông năm 2018 là 30%, trong đó cổ tức bằng tiền mặt là 20% (2.000 đồng/cổ phiếu) và 10% bằng cổ phiếu. Cụ thể, cổ tức bằng tiền mặt đã được Tập đoàn tạm ứng 10% trong năm 2018, 10% cổ tức còn lại bằng tiền mặt dự kiến được chi trả trong Quý 2/2019. Ngoài ra, kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% từ nguồn lợi nhuận để lại cũng sẽ được thực hiện vào Quý 2/2019.

Năm 2018, FPT cũng ghi nhận những dấu ấn mạnh mẽ trong chiến lược chuyển đổi số với doanh thu Chuyển đổi số tăng trưởng 31% so với cùng kỳ, chiếm 20% tổng doanh thu của mảng xuất khẩu phần mềm. Hoạt động chuyển đổi số được diễn ra đồng loạt tại các công ty thành viên và công ty liên kết của FPT. Trong đó tập trung mạnh mẽ vào hai mảng: số hóa các quy trình, nghiệp vụ nội bộ của công ty và nâng cao trải nghiệm của khách hàng góp phần tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn và thúc đẩy tăng tưởng kinh doanh. FPT cũng trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Trong năm 2018, nền tảng này đã nhận được 3,4 triệu yêu cầu/tháng. Hiện có 7.720 lập trình viên đang phát triển các ứng dụng trên nền tảng này và gần 155.000 giờ giọng nói đã được các đối tác sử dụng.

Kết thúc năm 2018, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 23.214 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 3.858 tăng 31% so với năm 2017 trong điều kiện so sánh tương đương (Kết quả kinh doanh năm 2017 không bao gồm lợi nhuận thoái vốn từ FPT Retail và Synnex FPT đồng thời hợp nhất kết quả kinh doanh của hai công ty này theo phương pháp vốn chủ). Doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, đạt tương ứng 9.109 tỷ đồng, tăng 27% và 2.356 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn đạt 16,7%, gấp 1,7 lần so với năm 2017.