Thành phố thông minh là lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển KTXH
Trong hai ngày 22 và 23/10, ASEAN Smart Cities Summit & Expo năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, Tập đoàn FPT đã một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu về chuyển đổi số quốc gia, thông qua cách thức tiếp cận tổng thể và toàn diện, tích hợp về Chuyển đổi số đô thị và xây dựng Thành phố thông minh bền vững.
•
22/10/2020
Trong hai ngày 22 và 23/10, Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm về Đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo) năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, Tập đoàn FPT đã một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu về chuyển đổi số quốc gia, thông qua cách thức tiếp cận tổng thể và toàn diện, tích hợp về Chuyển đổi số đô thị và xây dựng Thành phố thông minh bền vững. Bên cạnh đó, FPT cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế đúc kết từ hàng chục năm tham gia các dự án xây dựng hạ tầng CNTT nền tảng cho chính phủ, các bộ ngành, cũng như mang tới sự kiện bộ sản phẩm, giải pháp toàn diện về phát triển Thành phố thông minh.
Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm về Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì, tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với chủ đề “Đô thị thông minh hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Với mục tiêu thúc đẩy chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực Asean, sự kiện bao gồm Phiên Diễn đàn cấp cao về phát triển đô thị thông minh với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; 5
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng của FPT tại ASEAN Smart Cities Summit & Expo năm 2020
Hội thảo chuyên đề xoay quanh các vấn đề về chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh cùng Triển lãm và các hoạt động chia sẻ ý tưởng công nghệ và sáng tạo. Sự kiện có sự tham dự của hơn 1.500 người, hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước Asean, 60 diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về phát triển đô thị và trên 35 nhà cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cùng các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, nhiều bộ ngành và các tập đoàn lớn tham dự phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tạo lập nền tảng cho xây dựng đô thị thông minh thành công”. Cũng tại sự kiện, đại diện lãnh đạo FPT đã tham dự hai phiên thảo luận chuyên đề về “Quy hoạch, quản lý đô thị thông minh” và “Giao thông thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị”; và có báo cáo chính về chủ đề “Các xu hướng công nghệ đột phá chuyển đổi giao thông đô thị”.
Các quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc để trở thành "nền kinh tế số" và "xã hội số" với sự thúc đẩy bởi những tiến bộ của công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển doanh nghiệp và cải thiện cuộc sống của người dân. Chuyển đổi số đô thị hay xây dựng Thành phố thông minh chính là hiện tượng tương tự diễn ra ở cấp độ địa phương. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt hiện nay, dự báo đến 2050 sẽ có hơn 70% dân số trên toàn thế giới sống trong các đô thị. Xu hướng chuyển đổi số đô thị, xây dựng Thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định: “Thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững; nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả; người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất. Song hành cùng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh phải lấy lợi ích của người dân và phát triển bền vững làm trung tâm. Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này. Với lợi ích tổng thể, toàn diện như vậy, Thành phố thông minh là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội!”
FPT cũng trình diễn bốn nhóm sản phẩm, bao gồm: Chính quyền số, Y tế số, Giao thông thông minh và Bảo mật tại ASEAN Smart Cities Summit & Expo năm 2020
Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo FPT, xây dựng và triển khai các chương trình Chuyển đổi số đô thị và Thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm 4 khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.
Trong đó, một nền tảng công nghệ số với cốt lõi là cấu trúc dữ liệu mở, liên thông và xử lý theo thời gian thực sẽ đóng vai trò là trung tâm điều hành và là công cụ phân tích cho chiến lược Chuyển đổi số đô thị và xây dựng Thành phố thông minh bền vững. Cùng với chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp Thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.
Từ hơn 25 năm trước, FPT đã cùng tiên phong với các cơ quan chính phủ, ngành, doanh nghiệp ứng dụng, xây dựng giải pháp CNTT trong những lĩnh vực khác nhau của thành phố như cơ sở hạ tầng, Internet, giáo dục – đào tạo, y tế, chính phủ… Đặc biệt, trong 10 năm qua, FPT đã đồng hành cùng với chính quyền nhiều tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long, Bình Định…) trong các chương trình Chuyển đổi số đô thị và xây dựng Thành phố thông minh và đang là đối tác phát triển, vận hành khu đô thị thông minh giáo dục, công nghệ cao của nhiều khu đô thị thông minh mới.
Các giải pháp công nghệ số của FPT tập trung vào Hệ thống giao thông thông minh, Quản lý năng lượng thông minh, Chính phủ số, Giáo dục thông minh, Chăm sóc sức khỏe thông minh, và các nền tảng tích hợp dữ liệu. Nhiều dự án lớn đã được FPT triển khai, mang lại cuộc sống tiện ích hơn cho hàng chục triệu người dân.
Tiêu biểu như Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM (HCM LGSP) do FPT triển khai vừa được UBND TP.HCM công bố cuối tháng 7 vừa qua. Hệ thống được đánh giá là một trong những cấu phần nền tảng của Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố, được xây dựng với tầm nhìn sẵn sàng 100% các nhu cầu nền tảng phục vụ Thành phố thông minh. Tính đến nay, đã có 22 đơn vị kết nối và hệ thống, với gần 200.000 hồ sơ liên thông, tích hợp được 6.260GB dữ liệu của thành phố. Gần 12 triệu người dùng được xác thực và định danh. Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ cần một nhân viên giám sát nền tảng và hơn một giờ để xuất báo cáo thay vì hai người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý mỗi GB dữ liệu.
Quảng Ninh, địa phương đi đầu trên cả nước về chính quyền điện tử đã ứng dụng giải pháp Chính quyền số FPT.eGov 4.0, triển khai nền tảng hạ tầng và điều hành thành công nền tảng cơ sở dữ liệu cho Chính quyền điện tử; tạo môi trường làm việc liên thông cho các cơ quan hành chính; xây dựng Trung tâm dịch vụ Hành chính công hiện đại. Nền tảng này đã giúp giảm 40% thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp cũng như tiết kiệm 30 tỷ chi phí/năm cho ngân sách của tỉnh. Năm 2018 trong diễn đàn CNTT ASOCIO tại Nhật Bản, tỉnh Quảng Ninh với điểm nhấn là hệ thống Chính quyền điện tử do FPT triển khai đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh ở hạng mục Chính quyền số.
Trong khuôn khổ sự kiện, FPT cũng trình diễn bốn nhóm sản phẩm, bao gồm: Chính quyền số, Y tế số, Giao thông thông minh và Bảo mật với nhiều sản phẩm tiêu biểu như giải pháp Chính quyền số FPT.eGov 4.0, Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT.Fortuna, Hệ thống quản lý Bệnh án điện tử thông minh FPT.EMR, Sổ khám bệnh điện tử FPT CaresBook, Hệ thống giao thông thông minh tích hợp FPT.STIS, Hệ thống Quản lý và điều hành vận tải xe buýt thông minh FPT.iBUS.
Với năng lực công nghệ, hệ sinh thái giải pháp, sản phẩm, dịch vụ toàn diện và hệ thống đối tác là những tập đoàn công nghệ hàng đầu dẫn dắt các xu hướng của Thành phố thông minh, FPT cam kết đồng hành với hành trình Thành phố thông minh của các đô thị lớn, nhỏ ở Việt Nam, cũng như trong khu vực và trên thế giới.