Các tập đoàn lớn thảo luận cơ hội đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế APEC

Ngày 08/11/2017, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), FPT cùng đại diện hơn 10 doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản, Đức…đã tham dự phiên làm việc về cơ hội xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế.
 

09/11/2017

Ngày 08/11/2017, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), FPT cùng đại diện hơn 10 doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản, Đức…đã tham dự phiên làm việc về cơ hội xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế.

Thành phần tham dự buổi làm việc có ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, và các tổ chức, doanh nghiệp lớn gồm: UPS, WEF, FPT, VinaCapital, Zuellig Pharma, Agoda Outside, ExxonMobil, UL, GE, Mitsubishi Heavy Industries Ltd., Mitsui&Co, Mizuho Bank, Dow, Cypress Holdings, PwC.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận về những chủ đề đang được quan tâm như: tầm quan trọng của môi trường đầu tư ổn định, vai trò của mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và chính phủ, giá trị và hướng phát triển của các lĩnh vực logistic, y tế, du lịch trực tuyến, các vấn đề trao đổi dữ liệu xuyên biên giới, chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, “Điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là môi trường kinh doanh, theo đánh giá của WEF, Việt Nam đã tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu, còn theo WB Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh. Một trong những việc Việt Nam làm tốt để cải thiện môi trường kinh doanh là cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như Bộ Công thương đã cắt giảm 675/1.243 điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực của Bộ”. Ông Hải cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng đồng hành vì sự thành công của các nhà đầu tư cũng như của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, với tiềm năng phát triển lớn, rất nhiều công ty lớn các nước đang đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề tạo ra môi trường đầu tư thân thiện nhận được sự quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ từ phía chính phủ Việt Nam. Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: “Chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân, bằng chứng là sự thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT đứng đầu. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để tạo ra môi trường đầu tư thân thiện cho Việt Nam.”

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình điều hành buổi làm việc bền lề APEC

Bên cạnh môi trường đầu tư, một chủ đề được các đại biểu quan tâm đưa ra thảo luận đó là công nghệ và chuyển đổi số. Công nghệ là nền tảng để phát triển và tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, kinh doạnh ở nhiều lĩnh vực logistic, du lịch, y tế…Ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành diễn đàn kinh tế thế giới WEF, đưa ra lời khuyên: “Công nghệ sẽ là từ khóa cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. Hãy tận dụng cơ hội phát triển các nền tảng công nghệ để đẩy mạnh nền kinh tế, nâng cao vị thế”.

Theo ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của General Electric (GE – Tập đoàn đứng thứ 13 trong danh sách Fotune Global 500 với doanh thu trên 120 tỷ USD) Tập đoàn cho biết, “kỹ thuật số (digital) là một trong những yếu tố hàng đầu và 5 năm về trước GE đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào kỹ thuật số để hỗ trợ ngành công nghiệp hoạt động tốt hơn. Chúng tôi chào mừng tất cả các doanh nghiệp đang có mặt trong phiên thảo luận này, nhưng trong đó chúng tôi muốn nhấn mạnh về hợp tác với FPT vì các bạn là một trong những tập đoàn lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng với thế giới”.

Trong chuyển đổi số, FPT có những vị trí khá đặc biệt, là công ty duy nhất tại khu vực ASEAN cùng GE phát triển các giải pháp trên nền tảng công nghệ Predix (nền tảng công nghệ IoT của GE cho các ngành công nghiệp, y tế, sản xuất…) cho các khách hàng trên toàn cầu. “Kinh tế số bắt đầu được nói từ năm 2016 tại diễn đàn Davos, nhưng FPT đã bắt đầu làm những việc liên quan đến việc chuyển đổi số, điện toán đám mây từ 7 năm trước”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐTQ FPT cho biết. Ông Bình cũng cho biết thêm: “Một trong những định hướng quan trọng của Tập đoàn là đồng hành cùng các khách hàng là những công ty hàng đầu thế giới trong việc cng cấp dịch vụ chuyển đổi số. Có mặt tại APEC là cơ hội để FPT tiếp cận với các doanh nghiệp này.”

Hiện FPT đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho gần 500 khách hàng là các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu, trong đó có khoảng 50 khách hàng trong danh sách Fortune 500 như GE, AT&T, UPS… chiếm trên 30% doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Tập đoàn.

APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation), ra đời cách đây gần 3 thập kỷ và có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam gia nhập diễn đàn này được gần 20 năm. Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Đây là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế trong diễn đàns chiếm tổng cộng 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới...

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11. Dự kiến, hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017 sẽ có sự tham gia của lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước.