Đại diện FPT chia sẻ tiềm năng bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài
•
23/08/2024
Ngày 22/8/2024, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư. Trong khuôn khổ sự kiện có Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Tập đoàn FPT đã có những đóng góp ý tưởng về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo đó, ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS - Chủ tịch FPT Semiconductor - Tập đoàn FPT tham gia tọa đàm “Kiều bào đóng góp ý kiến cho sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam” cùng các chuyên gia, kỹ sư lâu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán dẫn tại Mỹ, Nhật Bản, Hà Quốc.
Chia sẻ về tiềm năng ngành bán dẫn Việt Nam, ông Trần Đăng Hòa khẳng định: “Việt Nam có cơ hội trở thành nước tiên tiến nếu có thể ghi danh vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đây cũng là cơ hội cho FPT và các công ty thiết kế, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. FPT đã có hơn 10 năm nghiên cứu, phát triển và tham gia vào lĩnh vực bán dẫn, chúng tôi đặt nhiều hy vọng ở bán dẫn”.
Theo ông Trần Đăng Hòa, khi nhìn lại lịch sử thế giới, có rất nhiều quốc gia châu Á, văn hóa tương đồng và cùng ăn đũa như Việt Nam có được thành công trong lĩnh vực bán dẫn. Có thể kể đến: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Ông Trần Đăng Hòa hy vọng, Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp theo được ghi vào lịch sử bán dẫn thế giới.
Ông Trần Đăng Hòa (thứ ba từ trái sang) - Chủ tịch FPT IS - Chủ tịch FPT Semiconductor - Tập đoàn FPT tham gia tọa đàm “Kiều bào đóng góp ý kiến cho sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Trần Đăng Hòa nhận thấy, người Việt Nam có những phẩm chất tuyệt vời như chăm chỉ, chịu khó. Bên cạnh đó, người Việt Nam còn đam mê khoa học, yêu thích các môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học. Đã có rất nhiều giáo sư, chuyên gia thành danh về bán dẫn là người Việt Nam. Nguồn lực con người là ưu điểm lớn của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
“Khi các doanh nghiệp, quốc gia khác đầu tư vào Việt Nam, họ cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, doanh nghiệp Kỹ sư mới ra trường có thể làm được những việc cơ bản và cần chuyên gia làm những việc chuyên sâu. Chúng ta rất cần các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp để đảm bảo có thể đào tạo ra được hàng vạn người có nhu cầu, có trình độ như người nước ngoài thì chúng ta sẽ có được thành công”, ông Trần Đăng Hòa khẳng định.
Trong khuôn khổ tọa đàm “Kiều bào đóng góp ý kiến cho sự phát triển Công nghệ cao”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Nghiên cứu AI - Trung tâm AI - FPT Software - Công ty thành viên Tập đoàn FPT đã chia sẻ về tiềm năng Việt Nam ở lĩnh vực AI.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân phân tích thị trường AI thế giới rất phát triển với tốc độ vũ bão. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner (Mỹ), thị trường phần mềm AI sẽ đạt 135 tỉ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% năm 2021 lên 31,1% năm 2025, vượt qua mức tăng trưởng chung của toàn ngành phần mềm. Ở Việt Nam, tốc độ nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm AI các năm gần đây đang tăng lên nhanh chóng, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn và sự hỗ trợ từ phía chính phủ. AI được ứng dụng vào nhiều ngành nghề.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Nghiên cứu AI - Trung tâm AI - FPT Software - Công ty thành viên Tập đoàn FPT đã chia sẻ về tiềm năng Việt Nam ở lĩnh vực AI.
“FPT đang hợp tác với những bộ não AI hàng đầu thế giới như Mila, Landing AI. Chúng tôi phát triển chương trình giảng dạy AI toàn diện cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được Tiến sĩ Andrew Ng - Top 100 người có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực AI biên soạn. Gần đây FPT hợp tác với Nvidia đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory… Tất cả những nền tảng này đều để FPT nghiên cứu, phát triển các nền tảng, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tiên tiến và là cầu nối mang đến cho thế hệ trẻ cơ hội học tập, làm việc trong ngành AI cho người Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng cho rằng, nhân lực là ưu thế của Việt Nam để phát triển lĩnh vực AI. Nguồn nhân lực trẻ đông đảo, giỏi các môn tự nhiên đặc biệt là toán, chăm chỉ, chịu khó sẽ thu hút các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và tìm kiếm nhân tài. Bà Vân nhận thấy sự đổ bộ của các công ty nước ngoài như Grab, Cartrack, hoặc từ thung lũng Silicon (DataXight, Murror, GotIt, Aitomatic...) để xây dựng bộ phận AI là tương lai hứa hẹn cho AI Việt Nam.
Các chuyên gia, diễn giả tham gia Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài đều đánh giá cao những đóng góp của đại diện FPT. Diễn đàn đã mở ra không gian để các chuyên gia trong nước nắm bắt được xu thế thế giới ở mảng bán dẫn, AI, sự đầu tư bài bản cho công nghệ cao của doanh nghiệp Việt. Đây cũng là dịp quan trọng để chuyên gia FPT giao lưu với kiều bào là chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy đầu tư của kiều bào, mở rộng mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia.