FPT có nhiều cơ hội phát triển tại tỉnh Mie, Nhật Bản

Nguồn nhân lực đang thiếu hụt cùng với các chính sách hỗ trợ kêu gọi đầu tư sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn mở rộng hình ảnh tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Đây là nội dung chính trong buổi gặp gỡ giữa TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc với Thống đốc tỉnh Mie (Nhật Bản) Eikei Suzuki, diễn ra vào sáng 16/11/2016 tại trụ sở của FPT.
 

16/11/2016

Nguồn nhân lực đang thiếu hụt cùng với các chính sách hỗ trợ kêu gọi đầu tư sẽ là cơ hội tốt cho tập đoàn mở rộng hình ảnh tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Đây là nội dung chính trong buổi gặp gỡ giữa TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc với Thống đốc tỉnh Mie (Nhật Bản) Eikei Suzuki, diễn ra vào sáng 16/11/2016 tại trụ sở của FPT.

Tại buổi làm việc, ông Eikei Suzuki, Thống đốc tỉnh Mie, Nhật Bản đã đề xuất FPT hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực CNTT và mở rộng hoạt động của công ty tại Nhật Bản thông qua việc mở thêm văn phòng mới tại tỉnh Mie, hợp tác nhiều hơn nữa với các DN của tỉnh. Cũng theo ông Eikei Suzuki, trong thời gian gần đây, tỉnh Mie đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp trong vùng về quốc gia muốn đầu tư thì Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Do đó, ông Eikei Suzuki kỳ vọng, buổi làm việc này sẽ nhận được sự quan tâm từ FPT để công ty tạo điều kiện, là cầu nối thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào tỉnh.


Ông Eikei Suzuki, Thống đốc tỉnh Mie, Nhật Bản đã đề xuất FPT hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, cung cấp nhân lực CNTT

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc chia sẻ, về vấn đề nguồn lực, FPT đang có sự đầu tư rất lớn đối với thị trường Nhật Bản nói riêng. Dự kiến, FPT sẽ sớm có chuyến đi khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh để triển khai.

Về vấn để mở thêm văn phòng, FPT Japan đã có hơn 350 khách hàng lớn tại Nhật, do đó, việc mở rộng hình ảnh tại tỉnh Mie không quá khó khăn. TGĐ FPT hy vọng, trong quá trình làm việc, FPT sẽ nhận được những hỗ trợ đắc lực từ phía địa phương.

Hiện Nhật Bản là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Trong 10 tháng đầu năm 2016, FPT Nhật Bản đã cán mốc doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng). Với kỷ lục doanh thu này, FPT Nhật Bản hiện là công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản, đồng thời tiệm cận TOP 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật Bản, bao gồm các công ty tên tuổi như Fujitsoft, DTS, Systena...

Trong hơn 10 năm qua, doanh thu của FPT Nhật Bản luôn đạt mức tăng trưởng 32%/năm. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của FPT Nhật Bản cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Nhật Bản (13,9%/năm) trong giai đoạn 2006-2015. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2016, có 24/80 thị trường xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu dưới 100 triệu USD.

Với 760 cán bộ nhân viên hiện tại và nguồn lực hỗ trợ gồm 4.500 kỹ sư CNTT trong nước, FPT Nhật Bản đặt mục tiêu năm 2017 đứng trong danh sách 50 công ty dịch vụ CNTT lớn tại Nhật Bản. Đồng thời dự kiến đóng góp 50% trong mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020 của FPT. Ngoài hai khu Ký túc xá cho CBNV, FPT Japan đã có văn phòng tại 4 thành phố lớn là Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka.

TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đại diện tập đoàn tặng quà cho Thống đốc tỉnh Mie như một lời cảm ơn và bày tỏ tấm lòng mến khách.

"Đối với người Việt Nam, Nhật Bản rất gần gũi về văn hóa, ẩm thực, du lịch. Sau cuộc gặp gỡ này, các doanh nghiệp của tỉnh Mie có thể dẫn mở con đường để FPT triển khai những công việc mới tại đây", ông Ngọc nói.

Mie là một tỉnh nằm ở miền Trung, Nhật Bản. Nằm cách thành phố Nagoya một giờ đồng hồ chạy xe. Tại đây có nhiều doanh nghiệp lớn là khách hàng của FPT. Thành phố Matsusaka của Mie nổi tiếng với món bò, và là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho các siêu thị lớn của Nhật như Aeon.