FPT hỗ trợ ngành gỗ tổ chức thành công hội thảo trực tuyến

Với tư cách đối tác chiến lược chuyển đổi số của HAWA, FPT đã sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm để phối hợp tổ chức hội thảo bàn về phát triển bền vững ngành gỗ hậu đại dịch Covid-19.

06/05/2020

Hội thảo trực tuyến: “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá. Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” được đồng tổ chức bởi dự án Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA).

Với vai trò là đối tác chiến lược chuyển đổi số của HAWA, FPT đã hỗ trợ sự kiện trong việc tư vấn và cung cấp giải pháp hội nghị trực tuyến. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược trong chương trình Chuyển đổi số ngành gỗ từ việc số hóa các hoạt động của HAWA như hội nghị, diễn đàn, hội chợ - triển lãm… FPT sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông FPT trực tuyến vừa qua để phối hợp tổ chức hội thảo này.

Trong vòng ba ngày, FPT đã hỗ trợ Ban tổ chức triển khai giải pháp hội nghị trực tuyến, đào tạo đội kỹ thuật giúp kết nối ổn định hơn 10 đầu cầu tại Hà Nội, TP HCM, Bình Định....

FPT hỗ trợ ngành gỗ tổ chức hội thảo trực tuyến “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá" với 10 đầu cầu cùng kết nối tại một thời điểm.

Thông qua hội thảo, đại diện các Hiệp hội đã cung cấp một số thông tin ban đầu về tác động của đại dịch tới khâu xuất khẩu, nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến tiêu thụ nội địa; thảo luận về các cơ chế chính sách của Chính phủ, các hoạt động của doanh nghiệp, nhằm chuẩn bị cho doanh nghiệp sẵn sàng phục hồi và tăng tốc trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi dịch chấm dứt.

Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nhưng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo, mục tiêu này khó thành hiện thực và ngành có thể không có tăng trưởng. Đại dịch cũng làm thị trường sản xuất và tiêu thụ nội địa bị ảnh hưởng nặng do nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm ít nhất 70% về lượng nhập. Kết quả khảo sát nhanh từ 124 doanh nghiệp do các Hiệp hội ngành gỗ tiến hành cho thấy 100% bị ảnh hưởng từ Covid-19. 

Đại dịch đã cho thấy phương thức bán hàng truyền thống (offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (online). Một trong những vấn đề cần kíp lúc này của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ số để tối ưu bài toán vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch và phát triển mô hình kinh doanh mới, từ đó phục hồi - tăng tốc - bứt phá. Chuyển đổi số cần diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Qua đó định dạng lại tầm quan trọng của thị trường nội địa, sự quan tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tới thị trường này.

Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS phát biểu tại sự kiện

"Covid đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn", ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS (Đơn vị thành viên của FPT) phát biểu tại hội thảo. “Người lao động đã chuyển sang làm việc ở nhà, mọi nơi, mọi lúc, với mọi người trên thế giới. Điều tương tự cũng xảy ra với ngành gỗ. Dịch bệnh đã buộc tất cả phải bán hàng online, thiết kế online, marketing online. Đặc biệt, đang có sự chuyển dịch từ khái niệm "chuỗi cung ứng" sang "mạng lưới cung ứng", ông Sơn cho biết thêm.

Thế giới sau dịch Covid-19 sẽ là thế giới khác với những quy luật khác. Các doanh nghiệp cần sự chuẩn bị để trở thành doanh nghiệp có sự mềm dẻo, từ đó bứt phá.