FPT hỗ trợ tư vấn triển khai hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP.HCM
Ngày 22/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM (HCM LGSP). Trong đó, FPT vinh dự là đơn vị đồng hành cùng Thành phố xây dựng hệ thống này.
•
22/07/2020
Ngày 22/7, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM (HCM LGSP). Trong đó, FPT vinh dự là đơn vị đồng hành cùng Thành phố xây dựng hệ thống này.
Tại Hội nghị, ngoài việc đưa ra định hướng và đề ra các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số tại TP.HCM, Thành phố đã công bố 2 báo cáo quan trọng về Kiến trúc Chính quyền điện tử và chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM.
Theo đó, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (HCM LGSP) là thành phần chính của Kiến trúc chính quyền điện tử, nhằm kết nối các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hệ thống do Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) triển khai từ năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thành phố có một số nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành. Đặc biệt, dữ liệu dùng chung, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tư tưởng "thay đổi để chấp nhận cái mới" là 3 yếu tố trọng điểm quyết định sự thành công trong việc chuyển đổi số của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Thành phố cũng nên tăng chi tiêu cho chuyển đổi số, hiện mức chi của Thành phố đang ở mức 0.1% - trong khi ngân sách chi cho việc chuyển đổi số ở các thành phố của các quốc gia trên thế giới trung bình khoảng 1%.
Đánh giá về hệ thống HCM LGSP, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “Hệ thống HCM LGSP là nền tảng quan trọng trong việc hình thành Kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Từ đó các đơn vị có thể xây dựng chính sách và triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả”.
Phát biểu tại sự kiện, TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết: “FPT đã song hành cùng thành phố trong 3 hoạt động: Một là xây dựng Chính quyền điện tử cho TP.HCM; hai là xây dựng Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (HCM LGSP) và Ba là cung cấp một số ứng dụng CNTT cho các Sở ban ngành. Trong đó, Hệ thống dữ liệu dùng chung là một cấu phần khó mà Thành phố đã triển khai được và FPT rất vinh dự khi đồng hành cùng Thành phố xây dựng nền tảng này. Đây cũng sẽ là cái gốc của việc chuyển đổi số tại Thành phố, là bước đệm để các sở ban ngành hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Nếu như trước đây, các thông tin cũng như dữ liệu không được chia sẻ, thì nay FPT coi đó là “mỏ vàng” để các công chức nhà nước có thể chia sẻ và tiếp cận mọi dữ liệu dùng chung, phục vụ nghiệp vụ của mình”.
Về việc xây dựng Chính quyền số, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: "TP đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp (DN) hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của ĐTTM phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%."
TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa kỳ vọng Thành phố tạo điều kiện để FPT tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh, tư vấn các nền tảng số dùng chung.