FPT là doanh nghiệp có quy mô nhân sự lớn hàng đầu Nhật Bản

Là doanh nghiệp CNTT 100% vốn đầu tiên tại Nhật Bản, trong 15 năm qua, FPT liên tục mở rộng, phát triển, trở thành Top 50 công ty phần mềm lớn nhất Nhật Bản, góp phần thắt chặt mối quan hệ bền vững với các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản.

13/11/2020

Theo số liệu của VnDirect, Công ty Phần mềm FPT Nhật Bản là doanh nghiệp mảng công nghệ có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật Bản. Công ty hiện có 12 văn phòng tại xứ sở mặt trời mọc, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.500 nhân viên tại Nhật, đồng thời có 8.000 kỹ sư công nghệ thành thạo tiếng Nhật tại Việt Nam hỗ trợ các dự án với khách hàng từ xa. Được đối tác, khách hàng đánh giá cao năng lực công nghệ, khả năng triển khai những dự án chất lượng cao, cũng như đội ngũ chuyên gia giỏi tiếng Nhật, FPT đã trở thành đối tác công nghệ chiến lược của hàng loạt “ông lớn” có doanh thu hàng tỷ USD của Nhật Bản như Honda, SCSK, Toshiba, Panasonic…

Trong suốt 15 năm thành lập, FPT Nhật Bản luôn giữ nhịp tăng trưởng cao, khoảng 30%/năm và là thị trường quan trọng số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, đóng góp trên 50% vào tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài.

FPT Nhật Bản cũng đã mở đường cho các doanh nghiệp khác của Việt Nam vào thị trường này, đồng thời xây dựng được mối quan hệ bền vững với các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp tại Nhật Bản. Tháng 4/2020, FPT trở thành thành viên của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) – một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế Nhật Bản, với mong muốn trở thành cầu nối cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia.

Ghi nhận những đóng góp xuất sắc của FPT Nhật Bản suốt 15 năm qua, ngày 11/11/2020, Công ty đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông trao tặng bằng khen vì những đóng góp cho ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi các bạn trở thành nhân tố thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, góp phần quan trọng giúp Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tai thị trường trong nước, Công ty cũng đã và được kỳ vọng gánh vác những sứ mệnh trọng đại của đất nước đặc biệt là trong chiến lược Make in Việt Nam thúc đẩy tinh thần tự lực tự cường của Việt Nam trong thời đại số. Bộ kỳ vọng FPT tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo tạo đột phá trong chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng nhận định.

Chi sẻ tại sự kiện, ông Trần Đăng Hòa, Phó Tổng Giám đốc FPT Software kiêm Chủ tịch FPT Nhật Bản cho biết: “15 năm phát triển, FPT Nhật Bản đã chứng kiến 3 cuộc khủng hoảng chung của kinh tế xã hội tại Nhật Bản và sau mỗi cuộc khủng hoảng đều vươn lên mạnh mẽ. Tại thời điểm này, FPT Nhật Bản không chỉ là công ty có quy mô nhân sự lớn tại Nhật Bản mà còn xây dựng được năng lực tư vấn, công nghệ và có vị thế nhất định ở khâu cao nhất: khâu tư vấn trong chuỗi giá trị dịch vụ CNTT. 15 năm trước FPT đặt chân đến Nhật Bản để tìm kiếm việc làm nhưng tại thời điểm này, công ty không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm mà còn khẳng định thương hiệu ngành CNTT Việt Nam tại Nhật Bản với vị thế là 1 trong những công ty CNTT nước ngoài lớn nhất tại thị trường này”.

Nhật Bản luôn được là một thị trường thị trường trọng điểm trong chiến lược toàn cầu hoá của FPT và FPT Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ những công nghệ mới nhất và xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao và am hiểu ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản. Hiện FPT đã và đang làm chủ các công nghệ hiện đại nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như AI, RPA, Blockchain, Low-Code...  để phát triển hệ sinh thái giải pháp, sản phẩm dịch vụ đa dạng, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình vận hành, phát triển doanh nghiệp Nhật Bản. Công ty cũng đã đầu tư 15 khu kí túc xá tập trung với gần 500 phòng, và 188 nhà riêng trên toàn nước Nhật, phục vụ cán bộ nhân viên người Việt làm việc dài hạn.

Trong 5 năm tới, FPT Nhật Bản đặt mục tiêu có mặt trong Top 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản, với doanh thu 600 triệu USD và góp phần giúp các Tập đoàn hàng đầu của đất nước hoa anh đào chuyển đổi số, làm chủ thế giới số trong tương lai. Đồng thời, công ty cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình kinh doanh tập trung theo từng ngành mũi nhọn truyền thống như Sản xuất, Tài chính, Logistics và hướng tới xây dựng các lĩnh vực triển vọng tạo tiền đề cho việc hợp tác trong các ngành mới như Viễn thông, Dịch vụ tiện ích và Chăm sóc sức khỏe.