FPT năm thứ bảy liên tiếp trong danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất"
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất với nhiều tên tuổi lớn. Trong đó, FPT là một trong những doanh nghiệp 7 năm liên tiếp đứng trong danh sách này.
•
10/06/2019
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất với nhiều tên tuổi lớn. Trong đó, FPT là một trong những doanh nghiệp 7 năm liên tiếp đứng trong danh sách này.
Theo đánh giá của Forbes Việt Nam, bóc tách kết quả hoạt động của FPT Retail và FPT Synnex, doanh thu của tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam tăng 17,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 37,8%, tăng mạnh do không còn hợp nhất kết quả từ mảng phân phối bán lẻ. Sau khi tái cơ cấu, FPT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục. Mảng công nghệ giữ vai trò dẫn dắt trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn khi đem về doanh thu 13.402 tỉ đồng, chiếm hơn 57%. Mảng dịch vụ viễn thông và nội dung số thuộc khối viễn thông cũng tăng trưởng 15% với doanh thu ghi nhận 8.831 tỉ đồng, chiếm 38% tổng doanh thu.
Ông Nguyễn Tuấn Hùng - Giám đốc FPT HCM (đứng giữa) đại diện Tập đoàn nhận vinh danh Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam 2019 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn
Cũng theo Forbes Việt Nam, năm 2018 đánh dấu nhiều chuyển biến đáng kể của FPT khi mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Mỹ, hay ký hợp đồng có tổng giá trị 115 triệu đô la Mỹ với innogy SE, tập đoàn năng lượng châu Âu nhằm cung cấp các giải pháp trên nền tảng công nghệ SAP, IoT và các nền tảng chuyển đổi số tập đoàn này. Giai đoạn 2019 - 2021, FPT giữ định hướng chiến lược tập trung vào mảng chuyển đổi số và ra mắt đội ngũ lãnh đạo trẻ nhưng đã có thời gian gắn bó lâu dài với FPT.
Theo thống kê của Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách đạt 127.530 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19,2%. Tổng giá trị vốn hóa 50 công ty đạt 94 tỉ đô la Mỹ, tương đương 63% vốn hóa hai sàn niêm yết vào trung tuần tháng 5.2019.
Do biến động của chỉ số chứng khoán, làn sóng các công ty niêm yết có dấu hiệu chững lại. Trong danh sách lần này, đóng góp nhiều đại diện vẫn là các nhóm ngành bất động sản – xây lắp, logistics, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nguyên vật liệu xây dựng… Xét theo sàn, như thường lệ HSX chiếm áp đảo với 45 đại diện, HNX có năm đại diện. Danh sách năm nay có 13 sự thay đổi, trong đó có 11 cái tên lần đầu tiên xuất hiện, hai công ty quay lại danh sách.