FPT Telecom đạt 1 triệu khách hàng gia đình dùng IPv6

Ngày 31/8, FPT Telecom đã cán mốc 1 triệu khách hàng gia đình cài đặt và sử dụng giao thức IPv6 sau hơn 1 năm chính thức triển khai trên diện rộng. 
 

01/09/2017

Ngày 31/8, FPT Telecom đã cán mốc 1 triệu khách hàng gia đình cài đặt và sử dụng giao thức IPv6 sau hơn 1 năm chính thức triển khai trên diện rộng. 

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỷ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản: thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet và khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.

Kỹ sư FPT Telecom tại Trung tâm giám sát và Đảm bảo dịch vụ 

Theo ông Lương Duy Phương, Giám đốc Trung tâm điều hành mạng FPT Telecom, từ khóa ngắn gọn nhất là “dùng IPv6 nhanh hơn 40%”. Băng thông không thay đổi nhưng cách truyền tin khác nhau nên IPv6 mang được nhiều thông tin hơn so với IPv4 nên sẽ nhanh hơn. “Tôi ví dụ, khách hàng dùng 5 cái camera IP. Với giao thức cũ IPv4, khách hàng phải config foward port 5 lần với 5 cổng kết nối (port) khác nhau trên thiết bị modem. Với IPv6, người dùng không cần phải config NAT nữa vì đã dùng IP công cộng”, ông Phương phân tích.

Cạnh đó, Giám đốc Trung tâm điều hành mạng còn cho hay, với IPv6, mọi thứ từ thiết bị gia dụng cho tới tự động đều có thể kết nối với nhau và chỉ ra 6 lợi ích của IPv6 gồm: Định tuyến hiệu quả hơn, xử lý các gói tin hiệu quả hơn, tiết kiệm băng thông, cấu hình mạng đơn giản, hỗ trợ dịch vụ mới và bảo mật.

Khách hàng hộ gia đình thứ 1 triệu của FPT Telecom được ghi nhận lúc 8h ngày 31/8

Theo số liệu của Trung tâm mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), tính đến tháng 7/2017, tỷ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 7%, thời điểm cao nhất lên tới 25%; với hơn 3,5 triệu người dùng IPv6, theo thống kê của phòng Lab Cisco. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Malaysia) và đứng thứ 5 khu vực châu Á về kết quả triển khai IPv6, sau 4 quốc gia/vùng lãnh thổ là Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Macao. Trong đó, FPT Telecom là nhà mạng dẫn đầu cả nước. APNIC cho hay, tỷ lệ ứng dụng trong mạng IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 28%, cao gấp 7 lần trung bình cả nước.