FPT tổ chức hội nghị Chuyển đổi số toàn cầu
Hội nghị thu hút gần 100 chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ các tổ chức, doanh nghiệp tỷ đô từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương.
•
28/04/2019
Hội nghị Chuyển đổi số toàn cầu (Global Digital Transformation) do FPT tổ chức đã diễn ra trong ba ngày 25-27/4 với các cuộc thảo luận, phiên kết nối và hội thảo tương tác về các chủ đề như thách thức chuyển đổi số, sự sẵn sàng của tổ chức... Hội nghị thu hút gần 100 chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ các tổ chức, doanh nghiệp tỷ đô từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương. Chuyển đổi số được cho là sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí hoạt động, nâng trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới tăng cường năng lực cạnh.
Tại hội thảo "Global Digital Transformation" (Chuyển đổi số toàn cầu) diễn ra tuần trước ở Hạ Long, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ mục tiêu của FPT là trở thành nhà tư vấn chuyển đổi số.
"Câu hỏi mà doanh nghiệp phải đặt ra không thay đổi: làm thế nào để tăng trưởng, để có khách hàng, để có lợi nhuận, nhưng cách trả lời rất khác biệt và những công ty chuyển đổi số sẽ thể hiện sự vượt trội. Nói cách khác, nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi", ông Bình nhấn mạnh. "Trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp thực hiện những công việc giống nhau, như cùng dùng trí tuệ nhân tạo, cùng ứng dụng robot... nhưng cách làm, con đường cụ thể của từng công ty tư vấn sẽ khác nhau và FPT tin tưởng có thể giới thiệu con đường tốt nhất".
Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, con đường cụ thể của từng công ty tư vấn sẽ khác nhau và FPT tin tưởng có thể giới thiệu con đường tốt nhất
Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, sự kiện lần này khác biệt với các hội thảo về chuyển đổi số trước đây tại Việt Nam vì có sự tham gia của đại diện những công ty hàng đầu thế giới như Palantir, Siemens PPAL, Grab, CapitaLand, Singapore Airlines, Hitachi, Toshiba... Tại hội thảo, các chuyên gia không phải cùng nhau "mày mò, tìm cách chuyển đổi số", mà mục đích là để chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm của những người thành công, là cơ hội cho các doanh nghiệp hiểu sâu hơn những lợi ích và thách thức khi chuyển đổi số của những tập đoàn tiên phong.
"Khách hàng đang thay đổi rất nhanh, họ dùng điện thoại, Internet và có nhu cầu nhiều hơn với sản phẩm, dịch vụ. Họ có thể chuyển sang nhà cung cấp khác chỉ với một cú chạm nếu không thỏa mãn. Trên thị trường, đối thủ cạnh tranh cũng liên tục thay đổi, ngày càng mạnh lên, vì vậy việc chuyển đổi số là bắt buộc với các doanh nghiệp", ông Bình nhận định.
Ông cũng cho biết, hiện có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số, còn ở FPT có một định nghĩa là Digital Kaizen để chuyển đổi một cách đơn giản, hiệu quả mà không đòi hỏi đầu tư quá nhiều. "FPT có thể triển khai chuyển đổi số trong vòng từ 3 đến 6 tháng chứ không cần nhiều thời gian. Chúng tôi đang triển khai cho chính FPT với gần 36.000 con người và cam kết đạt kết quả trong vòng 12 tháng", ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Phương Trầm, Tư vấn trưởng về Chuyển đổi số của FPT, khẳng định một công ty chỉ có thể đạt mức đẳng cấp thế giới nếu họ chuyển đổi song song một nền tảng IT đẳng cấp.
"Tất cả các doanh nghiệp đều sẽ là doanh nghiệp số trong tương lai. Công nghệ, quy trình kinh doanh và sự chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng sẽ song hành cùng nhau. Các doanh nghiệp đều có chung một mối quan tâm: đâu là giải pháp để áp dụng mỗi năm, mỗi tháng, mỗi tuần bởi công nghệ luôn luôn thay đổi", ông Trầm giải thích. "Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự". Ông Trầm tin tưởng chuyển đổi số là cơ hội cho Việt Nam bứt phá, bởi mọi người đều bình đẳng trên sân chơi lớn này.
Hội nghị thu hút gần 100 chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ các tổ chức, doanh nghiệp tỷ đô từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương
Cũng tại hội thảo, Giáo sư Hồ Tú Bảo, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp Toán (VIASM), cho rằng chuyển đổi số là sự chuyển đổi sâu sắc trong mô hình doanh nghiệp, là một chiến lược, không phải chỉ là công nghệ. Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều không thể nói "không" với chuyển đổi số, số hoá quy trình vận hành và quản lý trong doanh nghiệp của mình, cũng như cần có sự đầu tư đúng đắn.
Trong khi đó, ông Nikhil Dwarakanath, Trưởng bộ phận Phân tích dữ liệu Grab, cũng chia sẻ về bài học chuyển đổi số khi xây dựng ứng dụng gọi xe. Grab hiện tăng trưởng rất nhanh với hơn 3 tỷ lượt đi được đặt trên ứng dụng. Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn... Họ cần tạo ra nền tảng Grab tối ưu hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Do đó, Grab phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực...