FPT trao 71 suất học bổng tổng trị giá 142 nghìn USD cho sinh viên công nghệ

Đây là phần thưởng dành cho 71 sinh viên của 18 đội thi đến từ 10 trường đại học trên cả nước vừa lọt vào vòng bán kết cuộc thi Cuộc đua số 2017-2018 với chủ đề “Lập trình Xe tự hành” do FPT tổ chức.

01/02/2018

Đây là phần thưởng dành cho 71 sinh viên của 18 đội thi đến từ 10 trường đại học trên cả nước vừa lọt vào vòng bán kết cuộc thi Cuộc đua số 2017-2018 với chủ đề “Lập trình Xe tự hành” do FPT tổ chức. Theo đó, các thí sinh sẽ được tham gia khóa học Kỹ sư lập trình nhúng theo chuẩn châu Âu trong vòng 10 tuần trị giá 2.000 USD/người (bao gồm trợ cấp đào tạo theo tháng, đào tạo lý thuyết, thực hành lab và huấn luyện thực địa tại các dự án về tự động hóa đang triển khai tại FPT Software). Sau khi kết thúc khóa học, các sinh viên hoàn thành xuất sắc sẽ được tuyển vào làm việc tại FPT Software.

Để nhận được học bổng trên, các thí sinh đã phải trải qua 03 phần thi gay cấn tại Vòng thi tìm kiếm đội đại diện trường (diễn ra từ 16-27/1). Hàng ngàn sinh viên cũng đã đến tham dự và cổ vũ cho các trận đấu.

Thử thách lớn nhất đối với các thí sinh thi vòng trường Cuộc đua số 2017-2018 là phần nhận dạng biển báo giao thông bởi các mã nguồn mở BTC cung cấp cho các thí sinh năm nay từ các đội thi năm trước không có phần này. Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà, Giảng viên ĐHKHTN – ĐH QG HN, thành viên Ban giám khảo của cuộc thi cho biết: “Khi đi trên đường thì người lái xe phải tuân theo luật giao thông, trước tiên là các loại biển báo, với người điều đó được thực hiện qua việc học luật. Với xe tự hành, trước hết là cần  phải biết chỗ nào có biển và sau đó cũng cần phải học để biết biển đó là gì từ đó quyết định nên làm gì: rẽ, dừng hay giảm tốc… Mục tiêu của Cuộc đua số 2017-2018 là giúp sinh viên tiếp cận và giải bài toán đó”.

DUST STARK của ĐH Bách Khoa Đà Nẵng là 1 trong 18 đội lọt vào bán kết Cuộc đua số 2017-2018

Năm thứ 2 tham gia cuộc thi, Nguyễn Hoàng Nam, Khoa CNTT – Học viện công nghệ bưu chính viễn thông cho biết so với năm trước thì các phần thi của Cuộc đua số mùa thứ 2 có mức độ khó hơn, đặc biệt là ở phần khi xử lý ảnh với yêu cầu nhận diện biển báo giao thông, nhưng cũng có tính phân loại cao hơn. “Chủ đề trong các phần thi vòng trường Cuộc đua số 2017-2018 mang lại đều là các xu hướng công nghệ mới như xe tự hành, AI, Big Data, IoT…  Đây là những kiến thức rất bổ ích với sinh viên. Việc tham gia cuộc thi không chỉ giúp bọn em nâng cao kỹ năng lập trình mà còn giúp định hướng trong việc lựa chọn công việc của mình sau này”, Nam nhận định.

Không chỉ giúp sinh viên phát triển về mặt công nghệ, “Cuộc đua số còn giúp kết nối nhà trường và doanh nghiệp để sinh viên phát triển năng lực và có cơ hội được làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến trong tương lai”, ông Phan Minh Đức, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng đánh giá.

Sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội tham gia cuộc thi Cuộc đua số 2017-2018

18 đội thi lọt vào bán kết sẽ được FPT mỗi đội 01 xe tự hành tỷ lệ 1/10 so với kích thước thật. Ngoài ra, các đội thi cũng sẽ được FPT cung cấp các thuật toán cơ bản (mã nguồn đọc dữ liệu từ cảm biến 9 trục như la bàn số, cảm biến gia tốc, điều khiển động cơ PID cơ bản cho vòng tốc độ và vị trí); Một chương trình mã nguồn mở cho phép xe chạy được trên đường cong (địa hình đơn giản) và tránh được vật cản (thuật toán phát hiện biên của ảnh, từ đó làm cơ sở để xác định đường di chuyển của xe. Năm nay BTC còn thêm các mã nguồn mở của xe một phiên bản chạy trên ROS (Robot Operating System ) - nền tảng mã nguồn mở nổi tiếng về robotic trên thế giới. Ở vòng bán kết, đội ngũ huấn luyện viên gồm nhiều chuyên gia về công nghệ xử lý hình ảnh, tự động hóa… cũng sẽ trực tiếp hướng dẫn cho các thí sinh.

Trận Bán kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2018 để chọn ra các đội xuất sắc nhất vào thi đấu tại trận chung kết.

Thông tin thêm về Vòng thi Tìm kiếm đội đại diện trường Cuộc đua số 2017-2018

Từ 16-27/1, BTC đã tiến hành 9 trận vòng loại cho các trường đăng ký tham gia.

Ở vòng thi này, các thi sinh phải trải qua 3 phần thi: Kiểm tra kiến thức và năng lực xử lý hình ảnh, Kỹ năng lập trình nhanh và Kiến thức về các lĩnh vực công nghệ liên quan đến cuộc cách mạng 4.0.

Trong đó ở phần xử lý ảnh, BTC cung  cấp 1 video đường đi với nhiều biển báo giao thông đặt trên đường. Trong vòng 30 phút, các thí sinh sử dụng thuật toán để nhận diện được một loại biển báo giao thông theo yêu cầu của BTC. Máy tính tự chấm điểm kết quả độ nhận diện chính xác biển báo của các đội và Ban giám khảo hỏi đáp thêm về giải thuật để từ đó tìm ra 4 đội xuất xắc nhất vào vòng thi lập trình nhanh.

Ở phần thi tiếp theo, 4 đội thi đối kháng trực tiếp trên sân khấu. Trong khoảng thời gian từ 5 đến 15 phút, các đội thi phải sử dụng kiến thức công nghệ về xử lý ảnh để để đọc và hiện thị các ảnh theo yêu cầu mà BTC đưa ra …

Ở phần thi hiểu biết về 4.0, các đội phải trả lời lần lượt các câu hỏi liên quan đến các công nghệ 4.0 như về Big Data, AI, IoT, Machine Learning…

Giới thiệu Cuộc đua số 2017-2018

Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ thường niên do Tập đoàn FPT tổ chức. Cuộc thi được sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. VTV2 và Báo điện tử Vnexpress là 2 đơn vị bảo trợ truyền thông của cuộc thi. Vietnam Airlines là nhà tài trợ vận chuyển chính thức, công ty Lectron là nhà đồng tài trợ.

Cuộc đua số 2017-2018 diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018. Đây là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước. Đề bài của cuộc thi năm nay cũng được nâng cao độ khó so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái/phải theo quy định…

Tổng giá trị giải thưởng hơn 4 tỷ đồng. Đội vô địch sẽ được nhận tổng giá trị phần thưởng của các vòng là 450 triệu đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Nhật Bản trong vòng 1 tuần và được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn.

Cuộc đua số 2017-2018 được tổ chức ở cả 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

 Các mốc quan trọng của Cuộc đua số 2017-2018:

  • Nhận hồ sơ đăng ký: từ 26/10-22/11/2017
  • Vòng sơ khảo (22/11/2017-15/1/2018): BTC tổ chức 09 trận sơ loại để tìm kiếm ra 18 đội xuất sắc đại diện cho các trường vào vòng chung khảo.
  • Vòng chung khảo (15/1-30/4/2018):  có hai vòng thi
  • Trận bán kết: dự kiến diễn ra vào tháng 3/2018. BTC sẽ chọn ra các đội thi xuất sắc nhất tham gia thiết lập xe tự hành và trận chung kết.
  • Trận chung kết: dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 4/2018. Các đội sẽ phải lập trình để xe chạy được trong điều kiện đường không có vạch chỉ dẫn màu trắng cố định mà có vạch không liền mạch và mô phỏng ánh sáng ngoài trời, tránh được chướng ngại vật cố định và tự nhận diện một số biển báo giao thông cơ bản.