iBus là đại diện của Việt Nam 'tham chiến' chung kết ASEAN ICT Awards
Hệ thống Quản lý và điều hành vận tải xe buýt thông minh (iBus) do FPT IS FTS xây dựng vừa chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn vào vòng chung kết của cuộc thi ASEAN ICT Awards (AICTA).
•
18/10/2017
Hệ thống Quản lý và điều hành vận tải xe buýt thông minh (iBus) do FPT IS FTS xây dựng vừa chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn vào vòng chung kết của cuộc thi ASEAN ICT Awards (AICTA).
ASEAN ICT Awards (AICTA) được Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT vào tháng 12/2011. Đến nay, AICTA đã trở thành giải thưởng uy tín bậc nhất trong lĩnh vực ICT của khu vực ASEAN cũng như châu Á - Thái Bình Dương.
Giải thưởng AICTA bao gồm 6 hạng mục: Giải thưởng cho khu vực Nhà nước; Giải thưởng cho khu vực tư nhân; Giải thưởng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Giải thưởng về nội dung số; Giải thưởng cho doanh nghiệp mới thành lập (start-up) và Giải thưởng về nghiên cứu và phát triển (R&D). Các nước sẽ được đề cử tối đa 3 sản phẩm cho mỗi hạng mục, tương đương với tối đa 18 sản phẩm cho toàn bộ AICTA 2017. Mỗi hạng mục sẽ có các giải Vàng, Bạc và Đồng.
Tiếp nối thành công của những sản phẩm đã gây tiếng vang trước đó, năm nay, Hệ thống Quản lý và điều hành vận tải xe buýt thông minh (iBus) do FPT IS FTS xây dựng sẽ là một trong những sản phẩm của Việt Nam tham dự AICTA 2017, tổ chức tại Campuchia vào tháng 11 tới.
iBus do Công ty Giải pháp Công nghệ FPT (FTS thuộc FPT IS) xây dựng từ năm 2014 và đưa vào vận hành chính thức tại TP HCM trong quý 3/2015. Hệ thống cấu phần từ 4 phần mềm: Phần mềm quản lý thông tin trạm dừng, nhà chờ và bến bãi; Phần mềm quản lý và tối ưu thông tin phục vụ cho hoạt động xe buýt; Phần mềm quản lý và điều hành hoạt động xe buýt;Cổng thông tin trực tuyến cho hành khách.
Trước đây, công tác quản lý đội xe buýt của thành phố đều được thực hiện thủ công và tất cả báo cáo đều bằng giấy. Điều này dẫn đến chi phí nhân lực lớn, độ chính xác, đầy đủ và tức thời về dữ liệu thấp, không phục vụ được nhu cầu quản lý 3.000 xe buýt của TP HCM; Không có nền tảng cơ sở dữ liệu để cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng khác cho người dân như tìm kiếm đường, dự báo giờ xe tới…
Còn với iBus, mọi thao tác quản lý và điều hành đều được thực hiện trên hệ thống phần mềm chung. Từ quản lý khai thác hạ tầng vận hành xe buýt (bến bãi, nhà chờ, quảng cáo nhà chờ..), quản lý kế hoạch vận hành (lộ trình, biểu đồ giờ vận hành tuyến), giám sát và điều hành trực tuyến, xử lý vi phạm, cho đến cổng truy vấn thông tin trực tuyến và ứng dụng cung cấp tiện ích tìm đường/dự báo giờ xe đến… đều được tin học hóa. Từ đó, giúp cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp vận tải quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động của xe buýt công cộng, bao gồm: Lộ trình, thời gian xuất phát - thời gian tới bến; Đảm bảo các yêu cầu về dịch vụ vận tải như chạy đúng giờ, đúng lộ trình, không vi phạm tốc độ…
Hiện nay, tại TP HCM, iBus quản lý hơn 3.000 xe buýt, đáp ứng khoảng 17.000 chuyến mỗi ngày và 300 triệu lượt hành khách mỗi năm. FPT IS cũng đang làm việc với các thành phố lớn khác (như Hà Nội, Đà Nẵng) để triển khai hệ thống quản lý và điều hành vận tải xe buýt thông minh này.
Năm 2012, FPT eHospital (sản phẩm CNTT cho khối Tư nhân) và FPT.eGOV (sản phẩm CNTT cho khối Chính phủ) xuất sắc giành Vàng và Bạc, đưa Việt Nam trở thành một trong hai quốc gia có thành tích cao nhất tại giải thưởng lần này.