Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ bàn cách thúc đẩy Chính phủ số tại Việt Nam
Ngày 28/05/2018, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thăm và làm việc với FPT. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ của FPT.
•
30/05/2018
Ngày 28/05/2018, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thăm và làm việc với FPT. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ của FPT.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn đã lắng nghe kinh nghiệm triển khai thành công chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh (do FPT thực hiện) và định hướng thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng các thành viên trong đoàn chăm chú theo dõi giải pháp CQĐT do FPT triển khai tại Quảng Ninh
Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Hiện đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử; trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng (3 năm); tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600 ngàn hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình 1 năm trên 70 tỷ đồng. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử được triển khai giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, hệ thống giúp giảm tới 40% thời gian và giảm số lần phải đi lại tối thiểu 01 lần/giao dịch của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Trước những kết quả trên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh và đề nghị FPT hỗ trợ tỉnh làm sâu rộng mô hình CQĐT tại đây để trở thành mô hình thí điểm nhân rộng ra toàn quốc, và khẳng định Văn phòng Chính phủ sẽ đồng hành với Quảng Ninh. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh mô hình ở Quảng Ninh sẽ là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình CQĐT quốc gia.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, “Xây dựng CQĐT sẽ làm thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc nên để triển khai thành công trước tiên cần có sự quyết tâm cao độ từ phía lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận cao của các cấp. Các yếu tố như tuyên truyền, đào tạo, xây dựng hạ tầng CNTT… cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công CQĐT. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần lựa chọn được đối tác triển khai có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực đồng hành cùng tỉnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện và quản trị, duy trì, nâng cấp hệ thống liên tục theo sự phát triển của chính quyền điện tử”.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ của FPT IS (đơn vị thành viên của FPT) cho biết, “FPT đã có hơn 20 năm trong việc triển khai các dự án về CQĐT tại nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm, dịch vụ của FPT được ứng dụng rộng rãi và được nâng cấp, cập nhất các xu hướng công nghệ mới nhất. Với hơn 1500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT cam kết sẽ đồng hành và gắn bó lâu dài vì lợi ích chung, cùng hướng tới sự thành công trong việc triển khai Chính phủ số tại Việt Nam”.
Hiện Việt Nam đang xây dựng Chính phủ số để tiến đến minh bạch và công khai hóa và thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền khi mà người dân phải nộp phí “bôi trơn” khi cấp bằng lái xe và giấy tờ sở hữu đất…
Năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được LHQ xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193. Cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Đã có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan; có 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trừ một số bộ, cơ quan đặc thù.
Theo phân tích của Gartner, chính phủ số được chia thành 05 mức với các độ trưởng thành tăng dần, trong đó chính phủ điện tử là mức sơ khai nhất của chính phủ số - mức 1, chính phủ số hoàn chỉnh được đặt ở mức 04.
Trong khi chính phủ điện tử tập trung vào tạo ra sự hiệu quả hoạt động của Chính phủ từ vận hành đến cung cấp dịch vụ công thì mô hình Chính phủ số tập trung sinh ra các giá trị cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong qua cải cách và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Chính phủ số đề cập đến việc sử dụng các công nghệ số (ví dụ: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động, điện toán đám mây…) như một phần của việc hiện đại hoá các chiến lược của chính phủ nhằm tạo ra các giá trị công. Chính phủ số được xây dựng trên một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh tế, các hiệp hội và công dân nhằm hỗ trợ việc tạo ra và sử dụng dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ.